Khai thác, phát huy hiệu quả không gian văn hóa Hoàng thành Thăng Long, Cổ Loa

Hà Nội cần ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hoá phục vụ phát triển công nghiệp văn hoá như: Không gian Hoàng Thành Thăng Long kết nối Ba Đình; không gian phố cổ kết nối cầu Long Biên; không gian quần thể di tích Cổ Loa...
Hà Nội cần xây dựng các làng nghề thành không gian văn hoá phục vụ du lịch

Đây là nội dung được nêu trong Kết luận số 80-KL/TW kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo đó, Bộ Chính trị lưu ý Hà Nội sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đồng thời, Hà Nội cần ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hoá phục vụ phát triển công nghiệp văn hoá như không gian Hoàng Thành Thăng Long kết nối Ba Đình; không gian phố cổ kết nối cầu Long Biên; không gian quần thể di tích Cổ Loa; không gian làng cổ Đường Lâm; không gian một số làng nghề truyền thống.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", thì vấn đề bảo tồn, phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa là rất quan trọng.

Khai thác, phát huy hiệu quả không gian văn hóa Hoàng thành Thăng Long, Cổ Loa
Hoàng Thành Thăng Long.

Theo GS Tống Trung Tín, chuyên gia đến từ Viện Khảo cổ học Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long là "huyệt điểm” của quốc gia. Nơi đây đáp ứng đủ tiêu chí toàn cầu của UNESCO về di sản văn hóa thế giới. Di sản này là trung tâm quyền lực lâu dài nhất, với các minh chứng xác thực và gắn bó chặt chẽ với nhiều sự kiện lịch sử, trọng đại của đất nước. Do vậy, theo ông, vấn đề hiện tại đặt ra đối với Hà Nội là cần khôi phục nhanh chóng Điện Kính Thiên.

“Phải làm sao để kết nối khu Hoàng thành Thăng Long với phố cổ, với cầu Long Biên, với Văn Miếu để phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc của khu vực này”, GS Tống Trung Tín nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sơn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long cho hay, với định hướng nghiên cứu phù hợp, một mặt chúng ta phải giữ gìn, bảo quản tốt được các dấu tích kiến trúc cung điện các thời kỳ, mặt khác chúng ta phát huy được các giá trị ngàn đời của nó phục vụ cho cuộc sống hôm nay.

“Đó là vừa làm nhiệm vụ bảo tồn các di sản lịch sử, văn hóa của cha ông bao đời gây dựng và vun đắp; Vừa làm nhiệm vụ giáo dục lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ, đồng thời sẽ góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của Thủ đô trong bối cảnh Hà Nội là Thành phố vì hòa bình và Thành phố sáng tạo. Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đang trở thành điểm đến an toàn, tươi đẹp và đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử của Thủ đô Hà Nội”, ông Sơn nhấn mạnh.

Về vấn đề phát huy giá trị di sản Cổ Loa được đặt ra. Các chuyên gia đều nhất trí rằng, Cổ Loa với những giá trị phi vật thể, lễ hội, diễn xướng cần phải được quan tâm phục dựng, từ đó phát huy các giá trị văn hóa của tiền nhân đã gây dựng.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng, Hà Nội có thế mạnh nhất về làng nghề và du lịch, nên khai thác hiệu quả như Tour đêm Hoàng thành, nhà tù, phố cổ đang triển khai.

Hiện, nhiều địa danh văn hóa đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn; Nhiều hoạt động văn hóa đã không thể thiếu trong các chương trình du lịch của Thủ đô như: Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm…

Kho tàng di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội mà tiền nhân để lại như là một tài sản to lớn và quý giá, một nguồn lực cho phát triển bền vững của Hà Nội.

Hậu Lộc
Phiên bản di động