Khai báo gian dối, chống đối cách ly là ‘nối giáo cho giặc’
Bắc Giang triển khai ứng dụng khai báo y tế tự nguyện để chống "giặc" Covid - 19 Chống Covid-19: Phản ánh trường hợp cần cách ly qua ứng dụng NCOVI Ra mắt ứng dụng khai báo y tế tự nguyện |
ảnh minh họa |
Chiều 11/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (Sở Y tế TP HCM) đã ra thông báo tìm khẩn cấp GroGan Matthew James Knight, quốc tịch Anh, sinh ngày 28/12/1988, là một trong những hành khách đi trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Nội Bài hiện ở Việt Nam nhưng không khai báo nơi ở.
Theo Báo CAND, người đàn ông này đáp chuyến bay từ Anh về Nội Bài ngày 2/3. Ngày 5/3, ông này ra Hội An (Quảng Nam) lưu trú tại khách sạn thuộc phường Sơn Phong. Hai hôm sau ông ta đến TP HCM. Lực lượng chức năng đã liên hệ song ông ta không cung cấp nơi lưu trú tại Việt Nam nên chưa thể tìm thấy. Vì vậy các trung tâm y tế quận, huyện, chính quyền địa phương được đề nghị tìm kiếm GroGan Matthew James Knight để cách ly.
Chuyến bay VN0054 từ Anh về Nội Bài có 217 người, trong đó có 21 khách hạng thương gia, 180 khách hạng phổ thông, tổ bay và tiếp viên 16 người. Ngoài "bệnh nhân thứ 17", hiện có thêm 12 người trên chuyến bay được xác định nhiễm COVID-19, gồm: một nam hành khách ngồi gần "bệnh nhân thứ 17" và 11 người nước ngoài đi cùng chuyến bay này.
Theo bài báo, không phải chỉ có duy nhất ông người Anh này vô ý thức như vậy. Sau vụ việc bệnh nhân COVID-19 thứ 17 N.H.N (Hà Nội) với nhiều biểu hiện thiếu trung thực trong khai báo dịch tễ, được cho là nguyên nhân lây lan nhiều người khác trên chuyến bay VN0054, những ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm đến trường hợp ông L.T.H, Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư xây dựng và thương mại P.Đ (người đi trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Thừa Thiên-Huế, có hành khách bị nhiễm COVID-19), đã không khai báo chính xác với cơ quan chức năng; thậm chí để cho nhân viên đi cách ly thay mình. Chỉ tới khi cơ quan chức năng vào cuộc, ông này mới "trình diện" và đi cách ly tập trung.
Một trường hợp khác là B.V.A (24 tuổi). Ngày 26/2, A. từ Nhật Bản về Việt Nam và đến nhà cha mẹ chồng ở xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Do nằm trong diện cách ly phòng ngừa dịch COVID-19 nên chính quyền huyện Bình Lục tổ chức cách ly người này tại nhà chồng sắp cưới. Nhưng dù đang trong thời hạn cách ly y tế, ngày 5/3, A. cùng chồng sắp cưới đón xe khách ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) để bay vào TP HCM, sau đó tiếp tục đi xe khách về TP Bà Rịa.
Việc làm vô ý thức này của vợ chồng A đã khiến chính quyền huyện Bình Lục phải gửi văn bản hỏa tốc đề nghị UBND TP Bà Rịa tiếp tục có biện pháp theo dõi và thực hiện cách ly. UBND TP Bà Rịa đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương đến kiểm tra sức khỏe và yêu cầu đương sự tiếp tục thực hiện cách ly y tế cho hết thời hạn.
Gần đây nhất, chiều ngày 10/3, đại diện Trung tâm Y tế quận Tân Phú, TP HCM đã đưa cặp vợ chồng sinh sống tại chung cư Khang Gia Tân Hương (phường Tân Quý) vào khu cách ly tập trung của quận, do 2 người này có đi qua vùng dịch. Cụ thể, trước khi nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, hai vợ chồng này xuất phát từ TP Milan và quá cảnh tại TP Dubai.
Theo quy định, những người về từ vùng dịch buộc phải cách ly 14 ngày nhưng "không hiểu vì sao 2 vợ chồng này vẫn lọt qua khâu kiểm dịch của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM để về chung cư vào tối ngày 9/3".
Rất may, người dân chung cư phát hiện kịp thời, báo cho cơ quan chức năng đưa đi cách ly và phun thuốc khử trùng tại đây. Dù sức khỏe 2 vợ chồng bình thường nhưng người dân khá lo lắng bởi diễn biến dịch bệnh vẫn khá phức tạp và nghi ngờ khâu kiểm dịch y tế ở sân bay đã bỏ lọt người về từ quốc gia có dịch bệnh.
Cần phải nhắc lại rằng theo quy định tại Nghị định 176/2013/NNĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; các hành vi vi phạm này có mức phạt có thể từ 2-10 triệu đồng.
Những ngày này, trong khi cả xã hội nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 thì những người có hành động khai báo gian dối, trốn, né hoặc không tuân thủ quy định cách ly... đang khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 ngày 9/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải xử lý nghiêm những trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật và giao Bộ Tư pháp, Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý nhằm răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh.
Các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, An ninh các cửa khẩu, sân bay phải kiểm soát hoạt động nhập cảnh kỹ hơn, không để "lọt lưới" những người nhiễm bệnh hay nguy cơ nhiễm bệnh cao...
Cả nước đang quán triệt phương châm "chống dịch như chống giặc", vì vậy những trường hợp trên cần phải bị xử lý nghiêm vì giữa lúc dịch phức tạp này, đó là hành vi "nối giáo cho giặc".
Làm lây lan dịch ra cộng đồng có thể bị xử tới 12 năm tù Theo Báo CAND, nếu khai báo gian dối, làm lây lan dịch COVID-19, gây nguy hiểm cho cộng đồng thì hành vi này đã vi phạm Điểm C Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Hình phạt đối với hành vi bỏ trốn làm lây lan dịch bệnh COVID-19 là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù giam từ 1 năm đến 5 năm, nếu làm chết người thì bị phạt tù giam từ 5 năm đến 10 năm, làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm. Đặc biệt, những người biết bệnh nhân bị bệnh COVID-19 mà không khai báo với các cơ quan nhà nước sẽ bị truy tố về tội che giấu tội phạm được quy định tại Điều 18 Bộ luật Hình sự, đối với ông bà, cha mẹ, anh em của người bị bệnh biết mà không khai báo thì chỉ bị xử lý hình sự khi bệnh nhân phạm tội đặc biệt nguy hiểm, nghĩa là lây nhiễm làm chết 2 người. Hình phạt đối với tội này là tù từ 2 năm đến 7 năm, được quy định tại Khoản 2 Điều 389 Bộ luật Hình sự. |