Khách sạn phố cổ Hà Nội: Cắn răng chịu lỗ, ồ ạt rao bán
Chấp nhận lỗ để bán khách sạn trên phố cổ
Vắng bóng du khách, hàng quán đóng cửa im lìm, đường phố vắng ngắt là những gì mà phố cổ Hà Nội trải qua suốt nhiều tháng qua vì dịch Covid-19.
Ghi nhận của Lao Động, những ngày cuối tháng 8/2021, tại các tuyến phố cổ như Hàng Bông, Mã Mây, Lương Văn Can... nhiều nhà hàng, khách sạn phải treo bảng rao bán, hoặc cho thuê vì không cầm cự nổi.
Phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được mệnh danh là tuyến phố sầm uất, thu hút khách du lịch bậc nhất ở Thủ đô Hà Nội. Song, những ngày qua, nhiều chủ khách sạn, nhà nghỉ tại đây ngậm ngùi phải treo biển bán nhà vì “vắng bóng” khách thuê. Ảnh: Phan Anh |
Ông T.Đ.P - người dân sống tại phố Hàng Bè cho biết vừa rao bán khách sạn 5 tầng, rộng 102m2x12 phòng, mặt tiền 5,5m với giá 89 tỉ có thương lượng.
“Nếu như trước dịch, căn nhà này phải bán được hơn 100 tỉ, nhưng giờ dịch bệnh diễn biến phức tạp quá, rao bán 89 tỉ mà chưa ai hỏi han gì, không biết có bán nổi không”, ông P cho hay.
Cách đó không xa, một ngôi nhà 4 tầng với diện tích hơn 87m2 trên phố Hàng Bông cũng được chủ nhà rao bán với giá 78 tỉ đồng. Theo người này, trước khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đây là nơi sầm uất và được cho thuê làm nhà hàng, mỗi tháng tiền thuê nhà thu về hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, do dịch nên người kinh doanh trước đã trả mặt bằng và hiện đóng cửa để rao bán.
Nhiều khách sạn tại phố cổ Hà Nội rơi vào tình trạng cửa đóng then cài. Ảnh: Phan Anh |
Theo khảo sát của Lao Động, những khách sạn 2 - 3 sao cách hồ Gươm bán kính từ 1-2 km được rao bán nhiều nhất và mức giá trung bình là dưới 1 tỉ đồng/m2.
Còn các khách sạn càng gần Hồ Gươm, mức giá rao bán sẽ càng đắt đỏ hơn. Theo đó một khách sạn cách mặt bờ hồ Gươm 50m, diện tích 155m2 với 12 tầng (bao gồm cả hầm) có giá chào bán là 215 tỉ đồng (trung bình là 1,4 tỉ đồng/m2).
Chuyển nhượng khách sạn giá 0 đồng
Thời điểm này, hàng loạt khách sạn trên phố cổ Hà Nội rao biển sang nhượng với giá... 0 đồng.
Trao đổi với Lao Động, anh Lê Vinh - chủ hai khách sạn trên phố Hàng Trống và phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có nguồn tài chính dự trữ, nên anh cần sang nhượng hai khách sạn này với giá sang nhượng là 0 đồng.
Theo anh Vinh, hai khách sạn này của anh có diện tích lớn, khách sạn ở Hàng Trống có diện tích 200m2/tầng (gồm 13 tầng), có 55 phòng nghỉ, 1 nhà hàng và 1 khu spa; còn khách sạn ở phố Nhà Thờ có 18 phòng, 1 nhà hàng rộng, diện tích 150m2/tầng (gồm 9 tầng).
Đây là khách sạn duy nhất trên phố Nhà Thờ, vừa được anh đầu tư nội thất 2 tỉ đồng. Cả hai khách sạn đều có trang thiết bị đồng bộ, có thể kinh doanh ngay khi dịch lắng xuống.
Khách sạn của anh Vinh nằm ở vị trí đắc địa trên phố cổ. Ảnh: Cường Ngô |
"Hai khách sạn này, tôi đặt cọc 3 tháng với tổng số tiền là 3,6 tỉ đồng, trung bình mỗi tháng 1,2 tỉ đồng. Do không kinh doanh được, không có tiền đóng tiền nhà nữa nên buộc phải sang nhượng. Tôi chỉ mong muốn lấy lại tiền đặt cọc với chủ nhà, không lấy phí sang nhượng và tiền đã đầu tư vào nội thất", anh Vinh cho hay.
Theo anh Vinh "đây là kèo rất thơm" vì hiện nay Chính phủ có những động thái rất mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy, khi dịch lắng xuống, nhà đầu tư có thể kinh doanh ngay.
"Chúng tôi đang kinh doanh rất ổn thì gặp dịch. Nếu không có dịch thì chẳng ai sang nhượng mà không lấy phí sang nhượng cả", anh Vinh nói và cho biết, chủ nhà đã đồng ý giảm 3 tháng tiền nhà cho khách thuê để kích cầu.
"Doanh nghiệp làm khách sạn đã kiệt sức"
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 2,89 triệu lượt khách, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu đạt 8,1 nghìn tỉ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm 2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước đạt khoảng 23,6%, giảm 8,6 % so với cùng kỳ năm 2020.
Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp làm khách sạn dường như đã kiệt sức do khách hủy tour. Trong tình hình hiện nay, ngoài biện pháp cắt giảm nhân sự vận hành, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh ngành nghề khác.
"Doanh nghiệp làm khách sạn đã kiệt sức"
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 2,89 triệu lượt khách, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu đạt 8,1 nghìn tỉ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm 2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước đạt khoảng 23,6%, giảm 8,6 % so với cùng kỳ năm 2020.
Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp làm khách sạn dường như đã kiệt sức do khách hủy tour. Trong tình hình hiện nay, ngoài biện pháp cắt giảm nhân sự vận hành, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh ngành nghề khác.