Khách hàng bị phong tỏa hàng chục tỷ tại ngân hàng: Lời cầu cứu khẩn thiết!
Liên quan đến vụ việc khách hàng bị phong tỏa tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), Ngân hàng Quốc Dân (NCB) và một số ngân hàng tại Hà Nội. Phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn với ông Đặng Nghĩa Toàn (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) xoay quanh vụ việc này.
PV: Thưa ông, quá trình ông gửi tiền vào các ngân hàng được thực hiện như thế nào?
Ông Đặng Nghĩa Toàn: Quá trình gửi tiền, vợ chồng tôi đều thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ ngân hàng và tuân thủ theo đúng quy chế tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước. Tôi gửi tiền vào tài khoản mang tên tôi mở tại ngân hàng, khi điện thoại của tôi được ngân hàng gửi tin nhắn báo tiền đã có trong tài khoản dương, sau đó, tôi yêu cầu chuyển tiền từ tài khoản sang sổ tiết kiệm, Ngân hàng lại gửi tin nhắn vào số điện thoại của tôi báo tài khoản bị trừ, tài khoản âm để chuyển sang sổ tiết kiệm và ngân hàng hoàn tất thủ tục, cấp sổ tiết kiệm tiền gửi cho chúng tôi theo đúng quy định.
Toàn bộ giấy tờ, hóa đơn, chứng từ thể hiện quá trình giao dịch tại các ngân hàng tôi vẫn đang lưu giữ.
PV: Ông có thông báo với ngân hàng về việc mất sổ tiết kiệm không? Mục đích để làm gì?
Ông Đặng Nghĩa Toàn: Trước khi làm việc với các ngân hàng, tôi đã trình báo toàn bộ sự việc với Cơ quan điều tra và sau khi làm việc với các ngân hàng, tôi có thông báo rằng vì lý do khách quan và chủ quan nên đã bị thất lạc sổ tiết kiệm.
Mục đích tôi báo như vậy là để tôi biết rõ sự thật vì sao không có chữ ký của vợ chồng tôi, chứng minh thư gốc của vợ chồng tôi luôn mang theo bên người, vậy mà tiền gửi tiết kiêm của tôi lại bị ngân hàng phong tỏa và tất toán. Chính vì tôi thông báo như vậy, ngân hàng mới cung cấp cho tôi xem toàn bộ hồ sơ cầm cố, bảo lãnh. Khi có hồ sơ, tôi đã mang nộp ngay cho Cơ quan điều tra.
Tôi có thắc mắc nữa với phía ngân hàng là tại sao tôi yêu cầu ngân hàng cung cấp hình ảnh camera của ngân hàng để chứng minh xem tôi có đến ký, tất toán rút tiền không nhưng ngân hàng không cung cấp, kể cả sau này khi làm việc với Cơ quan tố tụng tôi cũng yêu cầu như vậy nhưng ngân hàng không trích xuất camera cho Cơ quan tố tụng và tôi, chứng tỏ ngân hàng có điều gì mờ ám, mà lãnh đạo ngân hàng biết rõ điều này.
Ông Đặng Nghĩa Toàn. |
PV: Tại sao ông lại biết hồ sơ cầm cố, bảo lãnh vay vốn bị làm giả?
Ông Đặng Nghĩa Toàn: Như tôi đã nói trên, sau khi tôi thông báo là sổ tiết kiệm của tôi bị thất lạc, lúc đó ngân hàng có thông báo là sổ tiết kiệm của tôi đang bị phong tỏa do đã ký cầm cố, bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng nên tôi yêu cầu ngân hàng cho xem hồ sơ cầm cố, bảo lãnh vay vốn mà ngân hàng nói.
Sau khi xem hồ sơ cầm cố, bảo lãnh vay vốn này, thì tôi biết chắc chắn nó là giả mạo vì chỉ cần nhìn vào giấy xác nhận độc thân của tôi và của vợ tôi là Tạ Thị Thu Trang, vì vợ chồng tôi đang chung sống và có đăng ký kết hôn hợp pháp. Thêm nữa, lần nào đến gửi tiền thì cả 2 vợ chồng tôi cùng đến, có mặt tại ngân hàng và nhân viên ngân hàng đều biết chúng tôi là 2 vợ chồng.
Do đó, tôi và ngân hàng đã cùng yêu cầu Cơ quan Công an làm rõ, ngân hàng cũng cam kết nếu chữ ký, chữ viết trên hồ sơ cầm cố, bảo lãnh không phải do tôi ký thì sẽ trả lại tiền cho tôi.
PV: Thưa ông, hiện nay, Cơ quan Công an đã có Kết luận về việc Giám định chữ ký nêu trên hay chưa?
Ông Đặng Nghĩa Toàn: Đến nay, sau quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan ANĐT – Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành giám định và có các Thông báo Kết luận Giám định số 05 ngày 30/01/2019 gửi đến VietABank; số 09 ngày 12/3/2019 gửi đến NCB; và một số thông báo gửi tới các ngân hàng khác.
Theo đó, nội dung các Thông báo Kết luận Giám định đều khẳng định vợ chồng tôi không hề ký các Hợp đồng cầm cố sổ, bảo lãnh vay vốn nào tại các Ngân hàng nói trên.
PV: Vậy đến nay, các ngân hàng đã giải quyết sự việc như thế nào thưa ông?
Ông Đặng Nghĩa Toàn: Trong quá trình làm việc, các ngân hàng VietABank, NCB…đều cam kết với vợ chồng tôi rằng sẽ giải tỏa và trả lại tiền gửi tiết kiệm khi có Kết luận của Cơ quan Công an rằng vợ chồng tôi không ký cầm cố sổ tiết kiệm.
Tuy nhiên, khi liên hệ làm việc, yêu cầu các ngân hàng giải tỏa, trả tiền gửi tiết kiệm thì các ngân hàng nêu trên lại viện ra những lý do vô lý để không trả lại tiền gửi tiết kiệm cho vợ chồng tôi mặc dù Cơ quan ANĐT – Công an thành phố Hà Nội đã có Thông báo Kết luận giám định gửi đến các bên.
Đặc biệt, tại VietABank, các lãnh đạo còn cố tình trốn tránh trách nhiệm không chịu gặp, làm việc với tôi để giải quyết dứt điểm vụ việc.
PV: Ông có ý kiến như thế nào về việc các ngân hàng hiện nay vẫn chưa trả lại tiền gửi tiết kiệm như đã cam kết?
Ông Đặng Nghĩa Toàn: Đến nay các ngân hàng không có bất cứ lý do nào để tiếp tục phong tỏa tiền gửi của tôi. Hiện nay, Cơ quan điều tra cũng như các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không có bất cứ quyết định, yêu cầu nào về việc phong tỏa tiền gửi tiết kiệm của vợ chồng tôi.
Việc các ngân hàng nêu trên vẫn cố tình phong tỏa tiền gửi của vợ chồng tôi là không có căn cứ, trái quy định pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trong đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng tôi và gia đình.
Đặc biệt là thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm trước quyền, lợi ích của khách hàng của lãnh đạo Ngân hàng Việt Á, gây hoang mang cho những khách hàng gửi tiền và làm sói mòn niềm tin của nhân dân đối với hệ thống Ngân hàng.
Do đó, tôi yêu cầu các ngân hàng nêu trên phải giải tỏa và trả lại ngay lập tức toàn bộ tiền gửi tiết kiệm cho vợ, chồng tôi. Chúng tôi cũng khẩn cầu các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm sự việc giúp gia đình tôi sớm ổn định cuộc sống.
Trong đơn thư gửi Tuổi trẻ và Pháp luật, ông Đặng Nghĩa Toàn cho biết, tại VietABank, ông gửi tiết kiệm số tiền là 20 tỷ đồng ở Phòng giao dịch Đông Đô (địa chỉ: Tầng 1, Tòa 18T1 KĐT Trung Hòa Nhân Chính, đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Để tìm hiểu thông tin, chúng tôi đã liên hệ đặt lịch làm việc với VietABank nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. |
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.