Kết nối giáo dục, khoa học, đổi mới sáng tạo giữa Hà Nội với các địa phương Australia

Ngày 26/9, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã tiếp và làm việc với Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski.
Gắn biển công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội Công đoàn TP Hà Nội Luật Thủ đô (sửa đổi): Phân quyền toàn diện nhưng phải kiểm soát quyền lực "Hãy kể câu chuyện văn hóa một cách sinh động và hấp dẫn"
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Tại buổi tiếp, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, quan hệ hợp tác giữa Hà Nội với Australia phát triển không ngừng trong những năm qua, thể hiện qua nguồn đầu tư trực tiếp (FDI) và vốn đầu tư không hoàn lại (ODA) từ Australia liên tục tăng. Cùng với đó, xuất khẩu của Hà Nội sang Australia đến hết quý I/2023 đã đạt 35 triệu USD, trong khi nhập khẩu từ Australia đạt khoảng 448 triệu USD.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, bên cạnh thương mại, thì giáo dục, du lịch là những lĩnh vực hợp tác còn nhiều dư địa phát triển giữa Hà Nội với Australia; Nhất là khi thành phố có số học sinh trong độ tuổi đi học lên tới 2,3 triệu và là nơi tập trung khoảng 60% số trường đại học, cao đẳng của cả nước.

Đồng chí cũng nêu bật ba trụ cột phát triển của thành phố gồm: Nguồn lực văn hoá và con người của Hà Nội; Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là chuyển đổi số; Xây dựng thể chế pháp luật với nội dung nổi trội để giúp Hà Nội phát triển nhanh và bền vững hơn.

Cho biết Hà Nội đang thực hiện quy hoạch tổng thể và sẽ trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung Luật Thủ đô vào tháng 10 tới, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong khẳng định, Hà Nội mong muốn trở thành một thành phố văn hiến, văn minh và hiện đại, trở thành trung tâm, động lực phát triển của phía Bắc Việt Nam, phấn đấu trở thành thành phố kết nối toàn cầu vào năm 2045.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thành uỷ cho biết, một ưu tiên trong chuyến thăm Australia tới đây của đoàn công tác thành phố Hà Nội là mở rộng quan hệ giữa Thủ đô với các thành phố lớn của Australia. Trong đó, trọng tâm là xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; Quản lý đô thị; Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá, lịch sử; Hợp tác giáo dục, trong đó chú trọng đào tạo tiếng Anh cho cán bộ và giáo viên thành phố, kêu gọi sự đầu tư từ các trường đại học, các công ty công nghệ của Australia vào Thủ đô Hà Nội; Tăng cường giao lưu Nhân dân….

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong mong muốn, Đại sứ Andrew Goledzinowski sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối, giới thiệu Hà Nội với các đối tác tiềm năng; Đồng thời khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư-kinh doanh với các doanh nghiệp Australia.

Tán thành chia sẻ của Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong về quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa Australia và Việt Nam, Đại sứ Andrew Goledzinowski khẳng định, Australia sẽ tiếp tục là đối tác chủ chốt của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong giai đoạn phát triển mới.

Bày tỏ tự hào về việc hợp tác giữa hai nước, Đại sứ Andrew Goledzinowski nhấn mạnh, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng giờ đây đã bước sang giai đoạn phát triển mới, không còn cần Australia xây dựng những cây cầu bằng bê tông hay sắt thép, mà thay vào đó là những “chiếc cầu” kết nối giáo dục, khoa học, đổi mới sáng tạo.

Khẳng định, tiềm năng hợp tác giữa hai nước, cũng như giữa Hà Nội và các địa phương Australia là “không giới hạn”, Đại sứ Andrew Goledzinowski mong muốn, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục có những cải cách trong chính sách nhằm tạo sức hấp dẫn hơn cho các nguồn đầu tư giáo dục.

Đại sứ tin tưởng, chuyến thăm của đoàn công tác thành phố Hà Nội tới Australia tới đây sẽ thành công tốt đẹp, đóng góp tích cực vào nỗ lực phát triển của Thủ đô, cũng như quan hệ song phương Việt Nam - Australia.

Tại buổi tiếp, hai bên cũng dành nhiều thời gian trao đổi về một số vấn đề cùng quan tâm, trong đó có Trường Đại học Quốc tế RMIT. Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong khẳng định, Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm tháo gỡ những vướng mắc mà nhà trường đang gặp phải.

Hạnh Nguyên
Phiên bản di động