Kẽ hở trong đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ - Bài 1: "Cho vay, cho mượn" và còn gì nữa?
Theo thống kê của Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng, hàng năm, cả nước chỉ có hơn 10% thanh niên nhập ngũ có trình độ từ trung học chuyên nghiệp (THCN) đến đại học. Điều đó có nghĩa còn gần 90% thanh niên nhập ngũ chưa được đào tạo chính quy từ bậc THCN trở lên.
Xuất phát từ tình hình thực tế đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định định số121/2009/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 về chính sách hỗ trợ Bộ đội xuất ngũ học nghề. Nếu Bộ đội xuất ngũ học nghề trình độ sơ cấp sẽ được cấp “thẻ học nghề” có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu và sử dụng trong vòng 1 năm kể từ ngày cấp. Trường hợp Bộ đội xuất ngũ học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng thì được học nghề theo cơ chế đặt hàng đối với các cơ sở dạy nghề theo quy định.
Bộ đội xuất ngũ sẽ được cấp thẻ học nghề có thể đăng ký học ở tất cả trường nghề trong và ngoài quân đội, có giá trị trong vòng 1 năm kể từ ngày cấp. |
Với tấm thẻ học nghề này, bộ đội xuất ngũ có thể đăng ký học ở tất cả trường nghề trong và ngoài quân đội. Sau khi kết thúc khóa học, Nhà nước sẽ thanh toán 100% chi phí đào tạo cho cơ sở dạy nghề căn cứ vào thẻ học nghề. Trường hợp chi phí đào tạo của nghề học cao hơn giá trị của thẻ học nghề thì người học tự chi trả phần chênh lệch cho cơ sở dạy nghề.
Thực tế, sau khi xuất ngũ thì rất nhiều bộ đội tham gia học nghề tại các trường của Bộ Quốc phòng với các khóa học như điện, hàn, lái xe... Tuy nhiên, nhiều trường hợp khi trở về địa phương không đi học nghề hoặc nộp hồ sơ, đăng ký học nghề nhưng chờ đợi rất lâu cũng không được gọi đi học mà không hiểu lý do vì sao(?).
Một số bộ đội xuất ngũ phản ánh dù đã đăng ký và nộp thẻ học nghề nhưng lại không được gọi đi học mà không hiểu lý do vì sao. |
Mới đây, Tòa soạn Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được thông tin phản ánh của một số bộ đội xuất ngũ tại tỉnh Bắc Giang về tình trạng một số người giới thiệu là cán bộ tuyển sinh ở một số trường dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng quản lý tìm đến đơn vị đóng quân hoặc về tận nhà các em để đưa tiền và giữ lại thẻ học nghề. Số tiền các em nhận được dao động từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Các em không hề đi học hay được gọi đi học nghề.
Những người này tự xưng là cán bộ của Trường Trung cấp nghề số 10 (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội); Trường Trung cấp nghề số 18 (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội); Trường Cao đẳng nghề số 20 (Cơ sở Hải Dương) và Trường Trung cấp nghề số 12 (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
Rất nhiều em sau khi xuất ngũ đã đăng ký và nộp thẻ vào trường trung cấp nghề số 12 - Bộ Quốc Phòng nhưng không được học mà được nhận số tiền từ 500 nghìn cho đến 1 triệu đồng |
Để làm rõ thông tin phản ánh, nhóm phóng viên đã vào cuộc điều tra tìm hiểu. Trải qua hơn 200 ngày thu thập tài liệu, chứng cứ, gặp gỡ hàng chục bộ đội xuất ngũ tại rất nhiều huyện, thị của tỉnh Bắc Giang, chiêu trò “cho vay”, “cho mượn”, “đặt cọc” tiền nhằm giữ thẻ học nghề của bộ đội xuất ngũ đã dần hé lộ. Nhân vật chính là một số người nhận là cán bộ của nhà trường đến các đơn vị quân đội hoặc tới nhà để đưa tiền, giữ thẻ học nghề và không gọi đi học.
Trường Cao đẳng nghề số 20 - Bộ Quốc phòng (Chi nhánh Hải Dương) cũng bị các em phản ánh không gọi đi học mà chỉ đưa tiền sau khi lấy được thẻ |
Trao đổi với nhóm phóng viên, em Dương Văn Thắng (thôn 2, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), nhập ngũ tháng 2/2016, xuất ngũ tháng 1/2018 cho biết: Sau khi xuất ngũ có một người giới thiệu là cán bộ tuyển sinh của Trường Cao đẳng nghề số 20 Bộ quốc phòng (Cơ sở Hải Dương) đến nhà lấy thẻ học nghề và có đưa cho 1.000.000 đồng gọi là tiền "xăng xe" nhưng chờ mãi cũng không thấy gọi đi học (?).
Em Nguyễn Văn Quyết (thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nhập ngũ tháng 2/2016, xuất ngũ tháng 1/2018) cũng rơi vào trường hợp tương tự. Em Quyết cho biết khi chuẩn bị xuất ngũ, một người giới thiệu là cán bộ tuyển sinh của Trường trung cấp nghề số 18 đã đến đơn vị tư vấn, giữ thẻ học nghề của em và đưa cho 500.000 đồng. Sau khi xuất ngũ, chờ đợi một thời gian dài, Quyết không thấy nhà trường gọi đi học.
Một trường hợp khác tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang cũng nộp thẻ học nghề nhưng không đi học và được nhận 1.000.000 đồng |
Ngoài các trường hợp nêu trên, mở rộng điều tra, nhóm PV phát hiện rất nhiều trường hợp khác đăng ký học nghề tại các trường dạy nghề của Bộ Quốc phòng (đặc biệt là Trường Trung cấp nghề số 12 – PV) nhưng không được gọi đi học. Đổi lại, các em sẽ nhận được số tiền từ 5.00.000 - 1.000.000 đồng sau khi đưa “thẻ học nghề” cho cán bộ nhà trường(?).
(Còn nữa…)