Huyện Thường Tín đón nhận danh hiệu chuẩn nông thôn mới

Với những thành tựu đạt được, huyện Thường Tín, Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Thường Tín cần tập trung phát triển hạ tầng, tăng tỷ lệ đô thị hóa Huyện Thường Tín: Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế

Sáng 26/4, UBND huyện Thường Tín, Hà Nội tổ chức lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới” năm 2020.

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Thường Tín đã giảm được 6.268 hộ nghèo so với năm 2010. Số người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt tỷ lệ 95,3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 55,1 triệu đồng/người/năm tăng gấp 4,1 lần so với năm 2010. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, trên địa bàn huyện không còn xã trọng điểm về an ninh trật tự.

lãnh đạo thành phố Hà Nội trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Lãnh đạo TP Hà Nội trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020

Huyện Thường Tín có 28/28 xã đạt chuẩn NTM và 9/9 tiêu chí của huyện đều đạt theo quy định của Trung ương. Ngoài ra, huyện Thường Tín còn có 5 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trong những năm qua, huyện Thường Tín đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như ban hành “Chương trình xây dựng nông thôn mới”, “Chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường”. Các phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”,“ Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…

Theo báo cáo của UBND huyện Thường Tín, nguồn vốn đã bố trí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2020) là 4.498,5 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đã đóng góp tương ứng số tiền 642 tỷ đồng.

Huyện Thường Tín đã xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo 681,9km đường tỉnh, đường giao thông nông thôn, xây dựng mới 5 cây cầu bắc qua sông Nhuệ, 9 trạm bơm, cải tạo, nâng cấp 58,3km kênh mương cấp 3. Đầu tư xây dựng mới 15 trạm y tế, xây dựng mới Trung tâm y tế huyện, ngân sách TP cũng đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa Thường Tín, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân trên địa bàn và các vùng lân cận...

Đồng thời, huyện Thường Tín đã xây dựng mới 1 trường THPT, 1 trường THCS, 3 trường mầm non. Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 88 trường học, nên số trường học đạt chuẩn quốc gia là 79/88 trường (đạt 90%), trong đó 5 trường học đạt chuẩn quốc gia mức 2 (tăng 53 trường so với năm 2010). Đầu tư 2 trung tâm văn hóa xã, 85 nhà văn hóa thôn, khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, Trung tâm văn hóa du lịch làng nghề huyện và tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp 51 di tích lịch sử…

Đến nay cơ cấu kinh tế của Thường Tín đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, du lịch; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2020, công nghiệp - xây dựng chiếm 56,41% tăng 6,09 so với năm 2010 (năm 2010 50,32%); thương mại - dịch vụ 38,47% tăng 5,82% so với năm 2010 (năm 2010 32,65%), nông nghiệp chiếm 5,12% giảm 11,71% so với năm 2010 (năm 2010 16,83%). Tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 31.438,4 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 17.736,4 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ đạt 12.095 tỷ đồng, nông nghiệp đạt 1.607 tỷ đồng.

Huyện Thường Tín phấn đấu đến năm 2025, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô.

Hà Gia
Phiên bản di động