Huyện Mê Linh "gánh" 47 dự án dở dang sau 11 năm sáp nhập về Hà Nội
Sở Xây dựng Đà Nẵng lên tiếng về dự án Bến du thuyền Dự án bệnh viện "đắp chiếu" gây lãng phí hàng nghìn tỷ tại Hà Nội Thủ tướng chỉ đạo làm rõ 2000m2 đất dự án bị bỏ hoang ở Hà Nội |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự án đô thị gần 2.000 ha bị bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng tại huyện Mê Linh. Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội kiểm tra.
Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có gần 60 dự án xây dựng khu đô thị (KĐT), nhà ở với tổng diện tích hơn 2.000 ha. Hầu hết các dự án đều được phê duyệt ngay trước thời điểm Mê Linh được hợp nhất về Hà Nội (1/8/2008). Đây cũng là thời điểm thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thịnh vượng, với lợi thế là huyện ngoại thành sát trung tâm thủ đô, có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, bất động sản tại Mê Linh đã thu hút giới đầu tư. Sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng chia lô, bán nền, huy động vốn góp từ các nhà đầu tư thứ cấp và khách hàng cho dù dự án mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng (GPMB).
Dự án đô thị tại Mê Linh hiện vẫn chỉ là những bãi cỏ hoang |
Lý do mà các chủ đầu tư đưa ra để không triển khai dự án tại huyện Mê Linh là điều chỉnh lại quy hoạch khi sáp nhập Mê Linh từ Vĩnh Phúc về Hà Nội đã gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong GPMB dự án.
Tuy nhiên thực tế, các dự án này "đắp chiếu" là do thị trường bất động sản đóng băng sau thời gian sốt nóng. Từ đó tới nay, các dự án nhà ở tại huyện Mê Linh vẫn là những khu đất trống. Phần lớn các dự án đã huy động vốn từ khi chưa GPMB, đáng nói có dự án đã bán, thu tiền 100% giá trị lô đất.
Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có 47 dự án đô thị sau hơn chục năm giao đất vẫn trong tình trạng dở dang, gây lãng phí.
Trong đó, xã Tiền Phong là nơi tập trung nhiều dự án nhất với gần 20 dự án, như: khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty CP Vinh Sơn trên 60 ha; khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phúc Việt 24,3 ha; khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân KCN của Công ty CP Đầu tư Xây dựng số 18 quy mô gần 16 ha; KĐT Minh Giang Đầm Và (2 giai đoạn) của Công ty TNHH Minh Giang gần 22 ha; dự án Làng hoa Tiền Phong của Công ty TNHH Tiền Phong trên 40 ha; làng Quốc tế Tiền Phong gần 30 ha...
Ông Quang cho hay, lãnh đạo huyện đã yêu cầu từng doanh nghiệp, chủ đầu tư làm báo cáo về 5 vấn đề: quy hoạch, đất đai, GPMB, thủ tục đầu tư, tiến độ dự án. Căn cứ vào lộ trình tiến độ, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc các thủ tục, tháo gỡ vướng mắc giúp các chủ đầu tư. Nếu đúng thời hạn đã báo cáo, chủ đầu tư không thực hiện được, huyện sẽ đề nghị thành phố xử lý theo quy định của Luật Đất đai.
Bên cạnh 2.000 ha đất dự án bị bỏ hoang tại Mê Linh, hàng loạt khu đô thị mới được phê duyệt ồ ạt ở các cửa ngõ Thủ đô như Đan Phượng, Hoài Đức... sau 10 năm sáp nhập về Hà Nội đến nay vẫn trong cảnh dở dang. Trong số các dự án này, cuối năm 2018 UBND Hà Nội đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch mở rộng dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, tăng 8,6 ha so với quy hoạch cũ.