Huyện Chương Mỹ chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa

Đông đảo du khách tìm đến các địa chỉ du lịch tâm linh tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) để thăm các ngôi chùa cổ kính, thiêng liêng cũng như các di tích lịch sử mang đậm dấu ấu hào hùng. Nhờ lợi thế đó, huyện Chương Mỹ định hướng trở thành điểm đến văn hóa tâm linh đối với người dân Thủ đô cũng như các tỉnh lân cận.
Huyện Chương Mỹ: Nhiều chuyển biến trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên lĩnh vực tài chính, đất đai

Linh thiêng chùa Trầm, chùa Trăm Gian

Hiếm có di tích nào hội tụ đủ cả yếu tố văn hoá, kiến trúc, tâm linh và lịch sử như chùa Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ). Tọa lạc trên núi Trầm, cách Hà Nội khoảng 25km, di tích chùa Trầm có tuổi đời hơn 400 năm, sở hữu địa thế chùa rất đẹp với các núi nhỏ chung quanh như núi Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ.

Huyện Chương Mỹ chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đại biểu nghe lời giới thiệu về di tích chùa Trầm

Chùa xây dựng từ thế kỷ XVI, là ngôi chùa chính được xây dựa vào vách núi Tử Trầm Sơn (núi Trầm), đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Các công trình của chùa có lối kiến trúc Việt tinh xảo được thiết kế từ những mảng gỗ được chạm trổ độc đáo từ bức hoành phi đến các bức tranh được khảm trên cửa.

Đặc biệt là, ngay tại chùa Trầm, vào rạng sáng ngày 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Đó là lời hiệu triệu, làm rung chuyển cả non sông, đất nước... để dân tộc ta chính thức bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và kết thúc vang dội bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954.

Địa phương giàu truyền thống này còn hấp dẫn du khách với động Long Tiên, chùa Vô Vi… và đặc biệt là chùa Trăm Gian nổi tiếng.

Huyện Chương Mỹ chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa

Chùa Trăm Gian là tên gọi quen thuộc của chùa Quảng Nghiêm (hay còn gọi là chùa Tiên Lữ), nằm trên đồi cao khoảng 50m ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Chùa Trăm Gian được coi là một trong 4 ngôi chùa thiêng thuộc hàng “tứ đại danh thắng của xứ Đoài”, bên cạnh chùa Trầm, chùa Thầy và chùa Tây Phương.

Chùa Trăm Gian được lập từ đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ 10 (năm 1185). Đến thời nhà Trần, hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu nơi đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối. Ngôi chùa lớn với quy mô như hiện nay đã được trùng tu và xây dựng thêm qua nhiều thời kỳ.

Chùa Trăm Gian được coi là di sản kiến trúc Phật giáo của Việt Nam - một trong những ngôi chùa độc đáo có một không hai ở nước ta. Ở sân chùa có gác chuông hai tầng tám mái được dựng vào năm Quý Dậu - 1693, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông, là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao.

Điểm hẹn văn hóa phía Tây Nam Thủ đô

Năm 2021, khi thăm chùa Trầm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhận định: Chương Mỹ là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; Có nhiều địa danh gắn liền với những chiến tích hào hùng chống quân xâm lược. Nơi đây cũng là vùng đất có truyền thống khoa bảng, là quê hương của nhiều danh nhân được lưu truyền sử sách như: Ngô Sỹ Liên với “Đại Việt sử ký toàn thư”; Lê Ngô Cát với “Đại Nam quốc sử diễn ca”; Võ tướng anh hùng Đô đốc Đặng Tiến Đông...

Huyện Chương Mỹ chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa

Đồng thời, với vị trí quan trọng về quân sự, huyện Chương Mỹ thường được chọn là địa bàn đóng quân và tổ chức những trận đánh mang tính chất quyết định, chiến lược. Huyện Chương Mỹ cũng là địa phương vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh 7 lần về thăm và làm việc, trong đó có 2 lần Bác về làm việc tại xã Phụng Châu. Đặc biệt, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chủ trương sơ tán một số cơ quan Đảng, Chính phủ về địa bàn huyện Chương Mỹ, trước khi rời lên chiến khu Việt Bắc.

Chính vì thế, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, huyện Chương Mỹ tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, thực hiện việc quy hoạch khu di tích để chùa Trầm thực sự trở thành địa điểm du lịch văn hóa tâm linh, di tích cách mạng nhằm giáo dục tinh thần cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Vũ Cường
Phiên bản di động