Hơn 10 xe tải hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nước ngoài
Sáng 30/3, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã đột xuất kiểm tra 4 điểm kinh doanh và kho chứa hàng của hộ kinh doanh "Shop Ngọc Nhung".
Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện số lượng hàng hóa "khủng" không hóa đơn chứng từ và có dấu hiệu giả mạo những thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như: Samsung, LV, Gucci.
Kho hàng khủng tại Ba Vì với hàng nghìn sản phẩm khác nhau không giấy tờ có dấu hiệu nhái thương hiệu lớn |
Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 xác nhận, sáng 30/3, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra đột xuất 4 điểm của hộ kinh doanh Shop Ngọc Nhung, bao gồm 2 điểm kinh doanh và 2 kho với số lượng hàng hóa có dấu hiệu giả mạo rất lớn, lên đến hàng chục xe tải.
Cũng theo ông Hoàng Đại Nghĩa, lực lượng Quản lý thị trường đã phải mất thời gian khá dài để các trinh sát tiếp cận và bắt giữ thành công vụ việc.
Qua kiểm đếm sơ bộ, lực lượng Quản lý thị trường đã thu hơn 10 xe tải hàng hóa chủ yếu là quần áo thời trang, các bộ quần áo thể thao với đủ các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, LV, Nike, Adidas và các loại mỹ phẩm, sạc điện thoại, đồ gia dụng…
Các sản phẩm được "tuồn" ra thị trường bằng hình thức bán Livestream trên mạng xã hội |
Tại kho hàng, lực lượng chức năng cũng phát hiện một lượng lớn hàng hóa đã được đóng gói, dán mã vận đơn để chuyển bị chuyển giao cho đơn vị giao hàng để chuyển đến cho người tiêu dùng.
Khai nhận với lực lượng chức năng, chủ kho hàng cho biết cơ sở chủ yếu bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử và livestream "chốt đơn" trên các fanpage Facebook như: Ngọc Nhung Shop; Đao Tháp... sau đó hàng được vận chuyển đi khắp cả nước thông qua đơn vị chuyển phát.
Tại buổi kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng mình nguồn gốc sản phẩm mà chỉ xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh có tên "Shop Ngọc Nhung" do anh Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1992, ở thôn Y Bằng, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội là người đại diện hộ kinh doanh.
Lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định.
Có thể nói, thương mại điện tử và mạng xã hội đang là kênh bán hàng “béo bở” cho các đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Thậm chí, để thu hút hơn các đối tượng còn áp dụng hình thức như livestream (phát sóng trực tiếp) để quảng cáo, bán sản phẩm trôi nổi, vi phạm pháp luật cho người dân.
Tổng cục Quản lý thị trường đã kiến nghị, tham mưu các đơn vị trong Bộ Công thương chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử. Nghị định thay thế sẽ đặt ra những cách thức quản lý mới và phải coi và đối xử bình đẳng giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Bởi, trên môi trường thương mại truyền thống, quy định hàng hóa khi muốn trao đổi, mua bán, phải tuân thủ những yếu tố gì thì bây giờ sẽ quy định như vậy trên môi trường internet. Theo đại diện cơ quan Quản lý thị trường, tới đây các mô hình thương mại điện tử sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch thương mại tử. Trước đây, chính sách pháp luật hầu như chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, mà chủ yếu xoay quanh người bán hàng. Do đó, để thành công trong việc chống gian lận trên môi trường thương mại, việc thay đổi về chính sách là rất quan trọng và cần phải đi đầu. |