Hồi ức của một phi công

“Bầu trời - Trường Đại học của tôi” vừa tái hiện ký ức sống động của một phi công huyền thoại, Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Đức Soát, vừa là câu chuyện đời nghề, vừa là lời tri ân sâu sắc với đồng đội, quê hương và Tổ quốc.
Hai phi công thoát nạn kể phút vật lộn trên không cố cứu máy bay Yak-130 Dự kiến tôn tạo phù điêu “Bắt sống phi công Mỹ John McCain” Giải pháp gìn giữ giá trị lịch sử từ bức phù điêu "Bắt sống phi công Mỹ"

Trung tướng Nguyễn Đức Soát sinh ngày 24/6/1946 tại Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông nhập ngũ ngày 4/7/1965.

Ông tốt nghiệp Trường Không quân Krasnodar Liên Xô (1965-1968), Học viện Không quân Liên Xô I.Gagarin (1977-1980), Học viện Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Liên Xô mang tên nguyên soái Vorosilov (1982-1984), trở thành Tiến sĩ Khoa học Quân sự năm 2002.

Trải qua 40 năm cống hiến, gắn bó với Quân đội, ông được biết đến như một trong những phi công chiến đấu xuất sắc nhất của lực lượng Không quân Việt Nam, từng đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh Quân chủng Không quân; Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam

Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng ông là “vị tướng nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc” khi hơn 10 năm nay đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả Bom mìn Việt Nam để hỗ trợ cho các nạn nhân bom mìn vươn lên trong cuộc sống.

Đây là cuốn sách thứ 2 của Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Nếu như “Nhật ký phi công tiêm kích” với hơn 400 trang là cuốn nhật ký với những cảm xúc rất đời thường của một vị tướng, nơi chứa đựng tư liệu lịch sử giá trị về những trận tiêm kích với lấp lánh ẩn hiện nhiều câu chuyện tình yêu qua những câu thơ viết trong khoảng lặng giữa những đợt tấn công, phản công... thì cuốn sách “Bầu trời - Trường Đại học của tôi” đi sâu vào câu chuyện “đời bay” một của phi công chiến đấu huyền thoại của Không quân Nhân dân Việt Nam, cùng với những mảnh ký ức sâu đậm, tràn đầy tình cảm về quê hương, gia đình, bạn bè.

Hồi ức của một phi công
Buổi giao lưu ra mắt cuốn sách "Bầu trời - Trường Đại học của tôi"

Dày hơn 300 trang với 2 phần: Phần 1 mang tên “Đời bay” ghi lại những dấu ấn đáng nhớ, không chỉ gắn với cuộc đời của riêng ông, mà đó còn là những cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của không quân Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung: Những chiến dịch tập kích đường không của Mỹ ra miền Bắc, từ không chiến đến hòa giải, quá trình xuất kích bắn hạ máy bay địch, những câu chuyện từ những người phi công chiến đấu, quá trình làm chủ những chiếc máy bay huyền thoại như SU-27, bay cùng các phi công Do Thái…

Phần 2 mang tên “Quê hương và gia đình” là những trang viết đầy tình cảm về bạn bè, người thân, tuổi ấu thơ và những kỷ niệm ấm áp đã đi cùng ông trong suốt cuộc đời dù lúc trên trời hay dưới mặt đất.

Hồi ức của một phi công
Bìa cuốn sách "Bầu trời - Trường Đại học của tôi"

Thông qua cuốn sách “Bầu trời - Trường Đại học của tôi”, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về cuộc đời lao động, học tập và chiến đấu của Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Từ một anh lính trẻ tuổi bắt đầu học bay đến khi trở thành một phi công kỳ cựu, ông đã tham gia vào nhiều trận không chiến trở thành mốc son trong lịch sử quân sự Việt Nam, bắn hạ nhiều máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 27 tuổi.

Hơn thế, ở đó còn là những câu chuyện đầy nhân văn về giai đoạn hậu chiến - hòa giải giữa các phi công Mỹ - Việt Nam - những người từng “không đội trời chung”. Và ở đó là những câu chuyện nghề nghiệp mang tính “kỹ thuật” trong thời bình, như ông vẫn quan niệm và ví von bầu trời như trường đại học lớn của mình mà ông không ngừng học tập và không thể tách mình ra không gian ấy. Và để rồi cho đến giờ vẫn luôn là “Trời xanh xôn xao nghe anh kể chuyện/ Anh yêu trời bằng tình yêu nhân đôi” như câu thơ mà “người thơ” Nguyễn Đức Soát từng viết và nhắn nhủ.

Thái Sơn
Phiên bản di động