Hồi chuông cảnh báo từ việc hàng trăm công nhân ngộ độc thực phẩm tại Vĩnh Phúc

Vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 400 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.
Vĩnh Phúc: Bàn giao hơn 2.000m2 đất sử dụng trái phép ven hồ Đầm Vạc Mặt trận huyện Yên Lạc: Phải thực sự là cầu nối giữa các cấp với Nhân dân Vĩnh Phúc: Nhiều hoạt động trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2024
Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Lê Hồng Trung phát biểu tại sự kiện
Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Lê Hồng Trung phát biểu tại sự kiện

Như đã thông tin về vụ ngộ độc thực phẩm khiến 438 công nhân phải vào viện cấp cứu sau bữa cơm trưa ngày 14/5 tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (khu công nghiệp Khai Quang, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo đó, trưa ngày 14/5, tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tổ chức cho gần 3.000 công nhân ăn trưa, chia thành 2 ca. Các suất ăn do công ty này tự nấu gồm có gà xào, súp lơ xanh, canh đỗ xanh, dưa muối…

Đến chiều cùng ngày, nhiều người có triệu chứng ngộ độc phải nhập viện. Tổng cộng có 438 công nhân vào viện. Đến sáng 21/5, tất cả bệnh nhân đều đã xuất viện.

Về nguyên nhân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc Lê Hồng Trung cho biết, cơ quan này vừa nhận kết quả xét nghiệm ban đầu.

Theo đó, kết quả xét nghiệm do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia thực hiện đã tìm thấy vi khuẩn Bacillus Cereus trong món canh chua giá đỗ, đây đang được xác định là nguyên nhân nghi ngờ cao nhất. Các triệu chứng lâm sàng mà công nhân gặp phải cũng phù hợp với nhận định này.

Món canh chua giá đỗ tìm thấy vi khuẩn có độc tố gây nôn, tiêu chảy, gồm giá đỗ, hành lá, rau mùi, nước và quả chua... Đáng chú ý, công ty có đặt rau cung cấp từ một đơn vị ký hợp đồng cung cấp cho bếp ăn, nhưng khi truy suất thì rau giá đỗ cho bữa ăn gây ngộ độc kể trên lại mua ở chợ.

"Sau điều tra phát hiện nước không có vấn đề, nhưng khi thiếu 6kg giá đỗ, nhân viên của công ty được hợp đồng với nhà máy lại ra chợ ngay ở Vĩnh Yên mua thêm 6kg. Đây là lỗ hổng, hiện chúng tôi đang tiếp tục truy xuất và báo cáo thêm các bên liên quan", ông Trung cho biết.

Bài học từ việc hàng trăm công nhân ngộ độc thực phẩm tại Vĩnh Phúc
Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vũ Việt Văn thăm, động viên và tặng quà bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại cơ sở y tế.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ ra, đó là do điều kiện thời tiết nắng nóng thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

Một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Mặt khác, vì lợi nhuận, một số doanh nghiệp định mức khẩu phần ăn cho người lao động thấp, sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hùng Long, nhận thức và ý thức của một số người dân về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt. Một số cơ quan, cơ sở còn buông lỏng quản lý, đặc biệt là đối với hoạt động giám sát nguyên liệu đầu vào.

Thậm chí, một số cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm kinh doanh nông sản nhưng nhập nguyên liệu nông sản trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng để cung cấp cho các đơn vị, người dân. Việc phối hợp liên ngành trong công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm ở một số địa phương chưa được thực hiện tốt.

Ông Lê Hồng Trung – Giám đốc sở Y tế Vĩnh Phúc nói thêm, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế đã huy động các các bệnh viện, tập trung mọi nguồn lực để cứu chữa cho bệnh nhân. Ngày 21/5, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc thông báo, tất cả bệnh nhân vụ ngộ độc tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam đã khỏi bệnh và ra viện.

Nhằm tiếp tục chủ động công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, sẵn sàng đáp ứng phòng, chống ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý thực hiện nội dung sau: Tiếp tục triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm1 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Y tế tại: Kế hoạch số 16/KH-SYT ngày 26/01/2024 về đáp ứng công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh của Ngành Y tế, giai đoạn 2024 - 2025, Kế hoạch số 38/KH-SYT ngày 6/2/2024 về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024 của Ngành Y tế, Quyết định số 155/QĐ-SYT ngày 23/2/2024 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của Ngành Y tế, Văn bản số 709/SYT-ATVSTP ngày 28/3/2024 về việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2024 và các văn bản khác có liên quan.

Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại đơn vị/địa bàn quản lý việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Y tế (Phụ lục II Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ), trong đó tập trung: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhất là các cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, bếp ăn tập thể, căngtin,… trong Bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh); Các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm: Nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, đá thực phẩm; Các vi chất bổ sung vào thực phẩm; Phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; Thực phẩm chức năng; Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; kịp thời báo cáo, kiến nghị Sở Y tế và cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (nếu có).

Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm, đồng thời thay đổi các hành vi, thói quen, phong tục, tập quán không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng các loại động vật, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc xuất xứ. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác truyền thông, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các thực phẩm, sản phẩm thực phẩm tại cơ quan, địa bàn quản lý, phân công, phân cấp về an toàn thực phẩm theo quy định. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị,… kịp thời sơ cứu, cấp cứu, thu dung điều trị khi có ngộ độc xảy ra.

Lê Sơn
Phiên bản di động