Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ lợi ích của người lao động

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 200.000 tài xế xe công nghệ (gồm ôtô, xe máy), thu nhập của tài xế xe công nghệ không cao, trong khi đó áp lực làm việc lại rất lớn. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhóm đối tượng này. Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khuyến nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Cử tri Hà Nội kiến nghị nhiều vấn đề về đời sống dân sinh Thủ tướng yêu cầu chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết Nhiều chính sách mới liên quan đến doanh nghiệp và dân sinh có hiệu lực từ tháng 10

Thu nhập thấp, áp lực công việc cao

Theo kết quả nghiên cứu “Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển cộng đồng thực hiện cho thấy, tính đến nay, cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ (mô tô, ô tô) cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa được điều hành trên nền tảng công nghệ.

Trong số đó có gần 50% lái xe công nghệ đang hành nghề tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Phần lớn là người ngoại tỉnh, nữ chiếm 5%. Nghiên cứu bước đầu với sự tham gia của các lái xe công nghệ của Công ty Grab cuối năm 2021 cho thấy: Có 2/3 các lái xe công nghệ đã có gia đình và 60% đang phải làm kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên.

Tuy nhiên, thu nhập từ nguồn lái xe công nghệ khá thấp, bình quân lái xe máy là 318.000 đồng/ngày và 7 triệu đồng/tháng; Lái xe ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng (đã trừ phí, xăng).

Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ lợi ích của người lao động
Với mức thu nhập không cao, song lái xe công nghệ phải làm việc rất căng thẳng

Ngoài thu nhập, tài xế xe công nghệ có các loại thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ… từ công ty cung ứng dịch vụ với mức thấp và không thường xuyên.

Đáng nói, với mức thu nhập không cao song lái xe công nghệ phải làm việc rất căng thẳng. Theo đó, tài xế xe máy phải làm việc khoảng 9,2 giờ/ngày, tài xế ô tô làm việc trung bình 11,2 giờ/ngày, họ dường như không có ngày lễ, tết, ngày nghỉ. Tài xế xe công nghệ phải làm việc trong điều kiện vất vả về thời tiết, tai nạn…

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, phần lớn các tài xế công nghệ không chú ý tới việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là nhóm lái xe ít tuổi, thâm niên lái xe thấp. Chỉ có 42% đã được nghe đến các chế độ an sinh xã hội và 67% không rõ gồm những chế độ gì.

Mong muốn thêm nhiều chính sách an sinh xã hội

Công việc phải đánh đổi thời gian, sức khỏe nhưng đối tượng lái xe công nghệ hiện nay đang gặp khó khi tiếp cận các gói an sinh.

Anh Phạm Mạnh Toàn (40 tuổi, quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh) hiện đang làm tài xế xe taxi công nghệ tại Hà Nội chia sẻ: Trước đây, tôi làm công nhân lao động tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh. Sau gần chục năm làm nụng vất vả, hai vợ chồng tôi dành dụm được ít vốn và quyết định mua một chiếc xe ô tô để chạy taxi.

Thời điểm mới bắt đầu chạy, công việc khá thuận lợi, thu nhập từ chạy xe taxi hơn hẳn so với đồng lương công nhân. Tuy nhiên, sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công việc của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn thu nhập của gia đình khá bấp bênh, không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống gia đình cũng như việc học hành của các con nhỏ. Do đó, tôi mong muốn có thêm nhiều chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… để những tài xế xe công nghệ như tôi thêm yên tâm, gắn bó với nghề”, anh Mạnh chia sẻ.

Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ lợi ích của người lao động
Công việc phải đánh đổi thời gian, sức khỏe nhưng đối tượng lái xe công nghệ hiện nay đang gặp khó khi tiếp cận các gói an sinh

Cũng như anh Mạnh, chị Nguyễn Thị Nhung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gia nhập đội ngũ lái xe Grab được hai năm nay. Theo chị Nhung, nghề chạy xe công nghệ không mất vốn như mở cửa hàng, thay vào đó là bỏ ra công sức. Ngày nào cao điểm, làm việc hết công suất, chị Nhung kiếm được 400 - 500 nghìn đồng.

Tuy nhiên, dịch bệnh liên tục kéo dài khiến thu nhập chị Nhung cũng như nhiều lái xe công nghệ khác gặp bấp bênh. Trong khi đó, chị cũng không có bất cứ nguồn hỗ trợ nào khác. Chị Nhung cho biết: “Những lúc bình thường không sao nhưng khi ốm đau hay tôi nghỉ thai sản cũng không có hỗ trợ nào”.

“Tôi thường làm đến hơn 10h đêm mới về. Thế nên, những rủi ro, tai nạn trên đường không thể nói trước. Để tự bảo vệ mình, tôi đã tự mua bảo hiểm y tế để được hưởng sự hỗ trợ nếu không may bị ốm đau, bệnh tật, nhưng chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội”, chị Nhung chia sẻ.

Theo ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện các lái xe công nghệ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do chỉ có hợp đồng đối tác với các đơn vị cung cấp ứng dụng, không phải hợp đồng lao động.

“Nếu người lao động được quan tâm thì người ký hợp đồng với họ có thể đứng lên đóng bảo hiểm xã hội cho đối tượng này. Nhưng trên thực tế hiện nay chưa có. Vì vậy, nếu đối tượng lao động này muốn đảm bảo cuộc sống lâu dài, đặc biệt đến hết độ tuổi lao động, họ chỉ có thể thao gia bảo hiểm tự nguyện”, ông Văn Anh cho biết.

Để người lao động là lái xe công nghệ tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội thì trước tiên cần tập trung nghiên cứu, giải đáp sâu sắc, toàn diện hơn một số vấn đề: Thực trạng điều kiện lao động, việc làm; Khả năng tiếp cận và tham gia, hưởng lợi từ các chương trình/dịch vụ an sinh xã hội (đặc biệt là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế); Nhu cầu, mong muốn của lái xe công nghệ nhằm tăng cường sự tham gia của các công ty cung cấp dịch vụ, các lái xe công nghệ.

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc làm, điều kiện làm việc, an sinh xã hội, quản lý nhà nước về lao động tại các công ty đang cung cấp dịch vụ nền tảng, ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử - lái xe công nghệ (Grap, Be, Beamin, Go Việt, Aha…) để hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội ở nước ta, nhất là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Qua đó để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và cũng là cơ sở để trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội.

Thanh Tùng
Phiên bản di động