Hòa Bình: Mỏ đá “3 không” hành dân
“Thắp sáng đường quê” ở Hoà Bình |
Mỏ đá “3 không”
Từ đường tỉnh 433 rẽ vào con đường bê tông xuống cấp nghiêm trọng, đi khoảng 300m, người ta dễ dàng nhìn thấy mỏ đá núi Tran đang được khai thác nham nhở. Dưới chân núi là các bãi tập kết đá thành phẩm các loại, “bây bẩn”, máy xúc, máy nghiền, hệ thống băng chuyền và nhà ở của công nhân...
Mỏ đá núi Tran tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình |
Theo quan sát, từ vị trí khai thác đến khu vực có người ở tương đối gần, ước chừng 100-150m. Tấm biển bằng gỗ đóng ở góc mỏ đá ghi rõ “lịch nổ mìn, 11h-12h, 17h-18h”. Việc nổ mìn của mỏ đá này chính là nguyên nhân khiến rất nhiều người dân xã Toàn Sơn phản ánh tới cơ quan báo chí rằng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng.
Lịch nổ mìn tại mỏ đá núi Tran |
Anh M (người dân sống gần mỏ đá nói trên) bức xúc cho biết: “Từ ngày mỏ đá núi Tran đi vào hoạt động, họ thường xuyên nổ mìn để khai thác, chẳng tuân thủ giờ giấc gì. Mỗi khi nổ mìn, bụi đá bay mù mịt, nhà cửa đều rung lên bần bật. Các "xe tải ba chân" vận chuyển đá làm cho đường dân sinh bị hư hỏng nặng. Nguồn nước sinh hoạt của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, bởi tôi thấy họ chẳng có hệ thống xử lý nước thải gì cả”.
Ghi nhận tại hiện trường, phóng viên không thấy mỏ đá núi Tran lắp đặt camera và cân theo quy định của Luật khoáng sản. Ông T (người điều hành tại mỏ đá núi Tran) xác nhận: “Camera thì bọn anh có nhiều lắm, nhưng là để chống trộm chứ còn camera đếm xe thì bọn anh không lắp”.
Như vậy, theo phản ánh của người dân và thực tế, có thể thấy mỏ đá núi Tran (xã Toàn Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình) đang hoạt động nhưng không đảm bảo an toàn trong sử dụng vật liệu nổ, không có phương án xử lý môi trường và không xây dựng các hạng mục kỹ thuật theo quy định của Luật khoáng sản.
Đơn vị khai thác không phải là đơn vị được cấp phép?
Tại nhà điều hành - cũng là nơi ở của công nhân - mỏ đá núi Tran có tấm biển ghi rõ: “Điểm khai thác đá của Công ty TNHH MTV Tiến Minh”. Ông T, người điều hành tại mỏ đá núi Tran, cũng xác nhận ông và các công nhân làm việc tại đây là nhân sự của Công ty TNHH MTV Tiến Minh Hòa Bình (công ty Tiến Minh). Vì thế, đa phần người dân đều nghĩ rằng mỏ đá núi Tran được cấp phép cho Công ty Tiến Minh khai thác.
Ông T - người quản lý tại mỏ đá núi Tran - xác nhận rằng công ty Tiến Minh đang khai thác tại đây |
Song, sự thật không phải như vậy!
Theo tài liệu phóng viên có được, mỏ đá núi Tran được cấp phép cho Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn) chứ không phải Công ty Tiến Minh.
Cụ thể, tại giấy phép số 01/GP-UBND vào ngày 3/1/2018, UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp phép cho Công ty Hoàng Sơn được khai thác và chế biến khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ đá núi Tran (xã Toàn Sơn và thị trấn Đà Bắc).
Giấy phép trên cũng yêu cầu công ty Hoàng Sơn trước khi tiến hành khai thác phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; báo cáo sở Tài nguyên môi trường, các cơ quan chức năng kiểm tra tại thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác; phải thực hiện thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật.
Giấy phép khai thác tại mỏ đá núi Tran được cấp cho công ty Hoàng Sơn |
Người dân phản ánh rằng Công ty Hoàng Sơn chưa hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu của giấy phép, do đó, chưa được phép khai thác, chưa được cấp phép sử dụng vật liệu nổ tại mỏ đá núi Tran. Việc khai thác rầm rộ tại mỏ đá núi Tran trong thời gian qua mà Công ty Tiến Minh đang thực hiện là không đúng với các quy định của pháp luật, gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế, ảnh hưởng dân sinh.
Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Đà Bắc (Hòa Bình) để làm rõ về những vấn đề đang xảy ra tại mỏ đá núi Tran, tuy nhiên, đến nay chưa nhận được sự phối hợp cung cấp thông tin theo quy định.
(còn nữa)