Hỗ trợ doanh nghiệp để họ “ăn nên làm ra”

Lãnh đạo Bộ Tài chính nhân việc hỗ trợ doanh nghiệp để họ “ăn nên làm ra”, làm ăn hiệu quả, từ đó doanh nghiệp mới có nguồn lực trả nợ trái phiếu, mở rộng sản xuất kinh doanh...
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu "khó chồng khó" khi xuất hóa đơn từng lần bán Mỗi cá nhân, doanh nghiệp muốn phát triển thì phải đổi mới, sáng tạo

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, năm 2024 là năm sẽ tiếp tục khó khăn. Kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều biến động phức tạp, khó lường; trong nước, sản xuất kinh doanh tăng trưởng thấp, lãi suất tiền vay cao, nợ xấu vẫn ở mức cao, nợ trái phiếu vẫn cao, các động lực tăng trưởng như bất động sản, giải ngân đầu tư công,… chưa đạt như kỳ vọng. Đây sẽ là những yếu tố tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành Tài chính tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục vượt khó, đạt mục tiêu đặt ra, đặc biệt là về thu, chi ngân sách Nhà nước.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, các giải pháp về thu ngân sách trong lĩnh vực thuế, hải quan thời gian qua năm qua đã được triển khai và có nhiều cải tiến khi thực hiện hóa đơn điện tử, kết nối liên thông với dữ liệu dân cư, thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, chống chuyển giá, thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền,… nhưng tới đây, cần tiếp tục rà soát, tập trung nguồn thu từ giao dịch số, sàn thương mại điện tử trong nước, thu từ chuyển nhượng bất động sản, chống gian lận hoàn thuế, hóa đơn giả.

“Đây là lĩnh vực tiềm năng, có điều kiện thực hiện và cần tập trung và phối hợp với các đơn vị làm ngay” Bộ trưởng yêu cầu.

Hỗ trợ doanh nghiệp để họ “ăn nên làm ra”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Cũng theo Bộ trưởng, năm 2023, đã có nhiều giải pháp về miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, việc giảm thuế để thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nếu tiếp tục kéo dài thì nguồn lực tài chính công sẽ bị suy giảm và đi ngược với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng cho rằng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ là giảm thuế, mà rất nhiều việc phải làm, ví dụ như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục pháp lý, khó khăn về tín dụng, nguồn vốn,….

Một vấn đề tiếp theo được Bộ trưởng nhắc đến là tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế để thúc đẩy tăng tổng cầu, tập trung vào 6 động lực: bất động sản, đầu tư công, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, tiêu dùng xã hội. Ông Phớc đề nghị lãnh đạo các địa phương cần làm thế nào để cùng thúc đẩy các động lực trên để phát triển trong năm tới.

Liên quan đến thị trường vốn, chứng khoán, bảo hiểm, tín dụng, trái phiếu, theo Bộ trưởng, để doanh nghiệp trả được các khoản nợ đến hạn, cốt lõi là phải tạo môi trường đầu tư, hướng về doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp để họ “ăn nên làm ra”, làm ăn hiệu quả.

Từ đó doanh nghiệp mới có nguồn lực trả nợ trái phiếu, bảo hiểm, có nguồn lực chăm lo cho người lao động, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp trở lại vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, cần tiếp tục tập trung nguồn lực để nâng cấp, mở rộng các hệ thống công nghệ thông tin, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc. Về mặt pháp lý, Bộ Tài chính sẽ nỗ lực báo cáo với Thường vụ Quốc hội để có hướng giải quyết nguồn và cách làm, các đơn vị phải chủ động trong vấn đề này.

Hậu Lộc
Phiên bản di động