Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân của LHQ đã đủ điều kiện có hiệu lực
Nga, Mỹ đạt tiến triển về khung hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân mới Mỹ sẽ gia hạn Hiệp ước START Mới trong trường hợp đặc biệt Hiệp ước Bầu trời mở: NATO hợp tác với Nga bất chấp Mỹ lôi kéo |
Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên hợp quốc sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2021. (Nguồn: ploughshares.org) |
Ngày 24/10, hãng tin AFP dẫn thông báo của giới chức Liên hợp quốc đưa tin, Honduras đã trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên hợp quốc, qua đó hội đủ điều kiện cần thiết để hiệp ước này có hiệu lực sau 90 ngày, dự kiến vào tháng 1/2021.
Trong một thông cáo, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC), ông Peter Maurer tuyên bố sự kiện này là “chiến thắng của nhân loại và hứa hẹn một tương lai an toàn hơn.”
Còn trên tài khoản Twitter, tổ chức Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN), vốn đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy Liên hợp quốc thông qua TPNW và được trao giải Nobel Hòa bình năm 2017, cũng thông báo Honduras trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn TPNW, kích hoạt hiệp ước có hiệu lực và tạo nên “lịch sử.”
TPNW được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 7/7/2017 với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên. Tính đến ngày 24/10, đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ký kết hiệp ước.
Theo quy định, TPNW sẽ chính thức có hiệu lực 90 ngày sau khi nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, toàn bộ 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đều là những cường quốc hạt nhân, không tham gia TPNW. Nhật Bản, nước duy nhất trên thế giới đã phải hứng chịu bom nguyên tử, cũng không ký kết hiệp ước này.