e magazine
18/11/2024 21:36
Bài 4: Đột phá tư duy - kiến tạo phát triển

18/11/2024 21:36

Cải cách và đổi mới tư duy xây dựng pháp luật phải được khơi thông được điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực và kiến tạo cho đất nước phát triển.

phát triển

Bài 4: Đột phá tư duy - kiến tạo phát triển

Ở mỗi giai đoạn phát triển, đặc biệt là trong thời điểm có tính bước ngoặt của mỗi quốc gia, quá trình đổi mới tư duy dựa trên nền tảng nhận thức mới về thực tiễn phát triển là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của các quyết sách. Có đổi mới tư duy, mới tạo được bước phát triển đột phá về lý luận phát triển, làm cơ sở cho xây dựng đường lối, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển. Cải cách và đổi mới tư duy xây dựng pháp luật cũng vậy, phải khơi thông được điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực và kiến tạo cho đất nước phát triển.

Bài 4: Đột phá tư duy - kiến tạo phát triển

Mọi công cuộc đổi mới đều bắt đầu từ đổi mới tư duy. Chính vì thế, sự phát triển và đổi mới tư duy, trước hết của cơ quan xây dựng pháp luật hay đội ngũ lãnh đạo, quản lý đất nước luôn đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển trong những giai đoạn lịch sử cụ thể, tạo thành động lực phát triển của đất nước.

Trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thông điệp về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật được Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứa đựng tư tưởng mới, có nhiều đột phá và cần được tuân thủ để phục vụ công cuộc phát triển đất nước, bởi đây cũng là theo tinh thần chung của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ.

“Trước đây chúng ta xây dựng pháp luật chủ yếu là để quản lý, nhưng bây giờ không chỉ quản lý mà còn phải thúc đẩy phát triển. Phải bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và “xin – cho”, rồi quyền anh quyền tôi, các bộ ngành cũng hay níu kéo quyền anh quyền tôi từ luật chung đến luật chuyên ngành, mà chủ yếu là tạo ra thủ tục, tạo ra quyền lực. Mà có quyền lực thì sẽ có quyền lợi, lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân lồng vào. Cái đó cản trở phát triển đất nước, lần này phải khắc phục”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh định hướng chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; phân cấp phân quyền triệt để hơn, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất hơn. Các thủ tục phải ngắn gọn để tiết giảm thời gian, chi phí, cho nhà đầu tư, không đánh mất cơ hội của các nhà đầu tư; định hướng xây dựng quy định khung, quy định nguyên tắc, còn các thay đổi từ thực tiễn sinh động trong cuộc sống thì giao cho Chính phủ quy định để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Bài 4: Đột phá tư duy - kiến tạo phát triển
Sự phát triển và đổi mới tư duy, trước hết của cơ quan xây dựng pháp luật hay đội ngũ lãnh đạo, quản lý đất nước luôn đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển trong những giai đoạn lịch sử cụ thể, tạo thành động lực phát triển của đất nước. Trong đó, vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội là rất quan trọng.

“Nhưng thế nào là quy định khung, thế nào là quy định chi tiết? Nếu chỉ quy định khung, chung chung quá thì cũng khó, mà nếu quy định chi tiết quá thì luật lại thành nghị định. Cũng như vậy, ranh giới giữa quản lý Nhà nước và kiến tạo phát triển cũng rất mong manh. Quản lý chặt chẽ quá thì nhà đầu tư không làm được, nhưng nếu không có quản lý thì lại “thả gà ra đuổi” và sau này phải xử lý. Vì vậy, xây dựng luật phải đảm bảo vừa quản lý được, vừa kiến tạo tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nói thêm về câu chuyển điểm nghẽn thể chế, còn bất cập trong các quy định pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kể câu chuyện về thủ tục, quy định xây dựng thành phố Dubai (Thủ đô của Tiểu vương quốc Dubai, nơi đông dân nhất trong số 7 tiểu vương quốc của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) như một minh chứng cho việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dubai chỉ mất 5 năm để xây dựng được thành phố hiện đại với 500 tòa nhà, trị giá 20 tỷ USD, còn với “rừng quy định” như ở Việt Nam phải mất 1.500 năm.

“Vì sao người ta làm được như vậy, vì quy định thông thoáng. Như thiết kế, họ chỉ cần tuân thủ hai quy định là không tòa nhà nào giống tòa nhà nào và khoảng cách từ tòa nhà này đến tòa nhà kia không phải là một đường thẳng. Ngoài ra, các quy định về kết cấu, phòng cháy chữa cháy… họ đều quy định rõ, minh bạch và cứ thế mà làm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Vị tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng kể thêm, sau khi thiết kế được mô hình thành phố, Quốc vương đến duyệt toàn bộ thiết kế cho thành phố Dubai chỉ mất 2 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, mỗi khách sạn 5 sao ở Việt Nam phải mất đến 3 năm thủ tục.

“Nếu Dubai được xây dựng với một “rừng” quy định như ở ta thì phải mất 1.500 năm. Hiện nay, Dubai đã trở thành nơi để cả thế giới đến học tập, chiêm ngưỡng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhắc thêm câu chuyện thủ tục của Trung Quốc cho xây dựng một nhà máy ô tô trị giá hơn 1 tỷ USD từ lúc cấp phép đến khi hoàn thành chỉ mất 11 tháng; xây dựng một trung tâm thương mại cả thủ tục lẫn triển khai chỉ mất 68 ngày.

Bài 4: Đột phá tư duy - kiến tạo phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ ông đã chứng kiến không ít nhà đầu tư nước ngoài háo hức đến Việt Nam theo lời mời của Chính phủ, của ông và rồi lại… rời đi đầu tư ở nước khác. Hầu như ở Quốc hội, kỳ họp nào ông cũng có những câu chuyện sinh động như vậy để kể về điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư - kinh doanh. Vị tư lệnh ngành cho biết ông sẽ tiếp tục kể những câu chuyện này ở nghị trường Quốc hội để mọi người cùng nhìn nhận tận gốc rễ vấn đề của Việt Nam hiện nay, để cùng thay đổi, cải cách, đưa đất nước phát triển trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Người đứng đầu cơ quan tham mưu cho Chính phủ về lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghệ số, các nước họ không ngừng đổi mới, cải cách. Nếu Việt Nam không đổi mới, cải cách thì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không đến, hoặc đến rồi lại đi.

“Nhà nước hiện có rất nhiều quyền. Quyền cho làm gì, cho ai làm, làm ở đâu, làm như thế nào… Còn nhà đầu tư thì chỉ có một quyền thôi, đó là quyền không làm. Vì vậy, thiết kế luật phải hài hòa giữ quản lý Nhà nước và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn kinh doanh, đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nếu các quy định của luật, pháp luật không làm được điều này thì đất nước sẽ mất cơ hội. Mất cơ hội là mất hết, mất công ăn việc làm cho người dân, mất thu ngân sách Nhà nước, mất cơ hội phát triển.

Bài 4: Đột phá tư duy - kiến tạo phát triển

Không chỉ những vấn đề được Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu, mà còn nhiều câu chuyện khác được các nhà quản lý, giới chuyên gia đưa ra để minh chứng cho những bất cập về thể chế, tồn tại, hạn chế trong xây dựng pháp luật, từ đó cần phải thay đổi tư duy làm luật, xây dựng chính sách.

Mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024, nhiều ý kiến chuyên gia đã nêu ra những điểm còn bất cập do mâu thuẫn, không tương thích giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng và vướng mắc trong các quy định cũng như tổ chức thực hiện; về trình tự, thời gian chuẩn bị đối với các dự án đầu tư; thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép thực tế hiện nay kéo dài làm chậm quá trình đầu tư, gây ảnh hưởng, khó khăn cho doanh nghiệp.

Như câu chuyện ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho rằng, vướng mắc phổ biến nhất hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng. Ông lấy dẫn chứng, lĩnh vực bất động sản đang bị 15 luật khác nhau chi phối. Không những vậy, các luật còn “đá” nhau khiến cho thủ tục pháp lý thường mất rất nhiều thời gian; có dự án phải trải qua 177 bước, tốn 360 ngày mới đủ việc đối thoại, rồi mới đến khâu cưỡng chế cho giải phóng mặt bằng. Sau đó, để được triển khai thì lại phải cần 38 - 40 con dấu từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá.

Bài 4: Đột phá tư duy - kiến tạo phát triển

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án, khi gửi hồ sơ lên UBND cấp tỉnh, thành phố; sau đó sẽ gửi cho 5 sở, địa phương, nên cần phải có 5 con dấu để hoàn thành một thủ tục. Tiếp theo đến thủ tục về quy hoạch cũng cần 5 con dấu hay thủ tục định giá cũng cần nhiều con dấu.

Hay như khâu điều chỉnh quy hoạch, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, 100% dự án đều phải điều chỉnh quy hoạch, có những quy hoạch không quan trọng nhưng vẫn phải trình đủ các cấp có ý kiến. Sau khi điều chỉnh xong quy hoạch lại tiếp tục làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong khi "rừng" thủ tục này vô cùng nặng nề và nan giải.

“Dự án chỉ cần nhích chiều ngang ra một chút, đường chệch cống ra một chút để phù hợp cũng lại điều chỉnh quy hoạch, trong khi thủ tục này rất mất thời gian, 6 tháng chứ không phải 1 - 2 tháng. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng thừa nhận thủ tục đầu tư ở Việt Nam như “mê hồn trận”, họ không dám làm, mà phải hợp tác với doanh nghiệp Việt để làm”, ông Hiệp nói.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng nêu thực tế việc các đơn vị soạn thảo lắng nghe tiếng nói của người dân, doanh nghiệp chịu chi phối bởi luật còn hạn chế, do đó họ mong muốn các cơ quan soạn thảo, nhà làm luật cần sát với doanh nghiệp, đi sâu vào thực tế hơn. Các nhà làm luật, nhà quản lý cần phải có “cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”; công tác lập pháp phải chủ động, giám sát phải hiệu quả, quyết sách phải kịp thời thì mới thu hút được đầu tư, đặc biệt là dòng vốn nước ngoài.

Trên cơ sở những phân tích, dẫn chứng cụ thể ở thực tiễn cuộc sống, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc phải thay đổi tư duy làm luật như định hướng của người đứng đầu Đảng, Quốc hội, Chính phủ là cần thiết, bức thiết trong bối cảnh hiện nay.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới cho phát triển đất nước. “Trước đây chúng ta chỉ tập trung vào vấn đề quản lý nhưng chưa nghĩ đến làm thế nào để kiến tạo cho phát triển. Lần này sẽ thể hiện một cách rõ nét hơn, đây là một vấn đề rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ngoài vấn đề phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến vấn đề chuyển từ phương thức “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Minh chứng cho điều này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng viện dẫn kinh nghiệm từ một tỉnh của Trung Quốc làm được 2.000km đường cao tốc trong 3 năm.

Bài 4: Đột phá tư duy - kiến tạo phát triển
Khi đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, trang sử mới thì đổi mới tư duy xây dựng pháp luật có thể được coi là khâu đột phá hàng đầu - đột phá của các đột phá, có tính mở đường cho quá trình đổi mới mang tính bước ngoặt trong giai đoạn mới.

“Tôi có hỏi một Bộ trưởng, tại sao làm được nhanh thế, tại sao Trung Quốc làm được nhiều thế, tại sao lại rẻ thế? Họ nói, có 3 vấn đề: Một là các đồng chí có dám vay không? Hai là có phân cấp mạnh cho địa phương không? Ba là họ lập các công ty Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công, xong rồi chuyển nhượng lại quyền khai thác đó cho tư nhân. Như thế vừa thu hồi được vốn Nhà nước mà vẫn tranh thủ được vốn của tư nhân”, ông Dũng chia sẻ.

Trên cơ sở đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cần tập trung giữ vai trò kiểm soát, tăng cường hoàn thiện thể chế và làm rõ trách nhiệm, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giảm “xin - cho”, giảm “quyền anh - quyền tôi”, giảm né tránh đùn đẩy lẫn nhau, từ đó mới có thể tháo gỡ được những điểm nghẽn, kiến tạo cho đất nước phát triển đột phá hơn.

Từ những dẫn chứng trên, giới chuyên gia cho rằng, việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật phải bảo đảm được yêu cầu vừa quản lý Nhà nước, vừa phải khuyến khích sáng tạo trong phát triển và giải phóng các nguồn lực, khơi thông các điểm nghẽn, bám sát thực tiễn, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Các nhà làm luật, nhà hoạch định chính sách phải tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cấp bách, quan trọng, đã chín, đã rõ, thực tiễn đã chứng minh và có sự đồng thuận cao để đảm bảo tính kế thừa cũng như bổ sung đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bài 4: Đột phá tư duy - kiến tạo phát triển

Trong bài viết “Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thi hành pháp luật để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, cần đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, coi đây là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển trong kỷ nguyên mới.

Người đứng đầu ngành Tư pháp thừa nhận, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thời gian qua cho thấy còn những hạn chế, bất cập và những “điểm nghẽn” về thể chế như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra. Chẳng hạn như: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, nhiều quy định còn gây khó khăn, cản trở việc thực thi, chưa tạo môi trường thật sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân; thủ tục hành chính còn rườm rà; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu…

Bài 4: Đột phá tư duy - kiến tạo phát triển
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, chúng ta cần thực hiện tốt nguyên tắc “công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng chức trách theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trên cơ sở đó, để không bỏ lỡ những cơ hội phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu của đất nước 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở những định hướng chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, bám sát những chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời gian gần đây, có thể thấy, đã rất chín muồi để thúc đẩy việc đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, trong kỷ nguyên mới, pháp luật phải thật sự là nền tảng của phát triển, phục vụ phát triển và thúc đẩy phát triển; “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể”. Công tác xây dựng pháp luật phải áp dụng cách tiếp cận thực tế và thực tiễn; bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, giải đáp các vướng mắc của cuộc sống và tìm ra con đường phát triển từ thực tiễn.

Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bắt kịp xu thế thời đại. Để đáp ứng yêu cầu này, pháp luật phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa nguồn lực xã hội bị đình trệ hoạt động trở lại; vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành dịch vụ mới, các ngành công nghiệp mới.

Theo ông Nguyễn Hải Ninh, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật phải bắt đầu từ việc kiên quyết thay đổi nhận thức, phá bỏ mọi rào cản, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong xây dựng pháp luật. Do đó, cần tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi.

Đặc biệt là phải dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, thực hiện tốt nguyên tắc “công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng chức trách theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Cạnh đó, cần đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật gắn với nâng cao chất lượng văn bản pháp luật. Quy trình xây dựng pháp luật phải bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi và hiệu quả, gắn với phân công rành mạch, trách nhiệm rõ ràng của từng chủ thể trong từng khâu của quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Quy định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách, gắn với trách nhiệm của cơ quan chủ trì hoạch định chính sách, nhất là người đứng đầu. Chính sách phải cụ thể, rõ ràng, tránh chung chung, tránh việc nhầm lẫn giữa chính sách của Nhà nước với chủ trương của Đảng.

Các hoạt động tổng kết, khảo sát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, thu thập thông tin, đánh giá tác động chính sách, lựa chọn chính sách cần được thực hiện kỹ lưỡng, nghiêm túc; phân định rõ khâu xây dựng chính sách và quy phạm hóa chính sách; nghiên cứu tổ chức cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, khoa học và sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật.

Người đứng đầu Bộ tư Pháp cũng nhấn mạnh việc chú trọng đánh giá tác động chính sách thực chất; xây dựng cơ chế hiệu quả để tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động, nhất là đối với người dân, doanh nghiệp; không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và các quy định pháp luật. Thẩm quyền của chủ thể ban hành pháp luật phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy. Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm vận hành tốt nhất mối quan hệ giữa “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Ngoài ra cần quan tâm phát triển nguồn lực cho công tác pháp luật, tương xứng với tính chất là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, trong đó, một bộ phận cán bộ sẵn sàng tham gia các thiết chế đa phương, tổ chức quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và doanh nghiệp Việt Nam.

Một giải pháp nữa là cần nghiên cứu, ban hành cơ chế tài chính đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật, chế độ chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế yên tâm công tác, tận tâm cống hiến; tập trung kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn và kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, là cầu nối đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Như vậy, khi đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, trang sử mới thì đổi mới tư duy xây dựng pháp luật có thể được coi là khâu đột phá hàng đầu - đột phá của các đột phá, có tính mở đường cho quá trình đổi mới mang tính bước ngoặt trong giai đoạn mới.

(Còn nữa)


Bài viết liên quan loạt bài: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật - tạo đột phá đưa đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới

Bài 1: Điểm nghẽn thể chế - "Căn bệnh" kìm hãm sự phát triển của đất nước Bài 2: Đổi mới, cải cách, hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ Nhân dân Bài 3: Dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm” - Hiệu lệnh khơi thông mọi nguồn lực Bài 5: Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thực hiện: Hậu Lộc - Phạm Thành

« Xem bài 3

Xem bài 5 »

Hậu Lộc - Phạm Thành