Chống lãng phí cũng trở thành “xu thế không thể đảo ngược”

Coi lãng phí tương đồng thậm chí là nguy hại hơn cả tham nhũng, tiêu cực. Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đặc biệt coi trọng công tác chống lãng phí, song hành với phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư: Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển Một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí

Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy Nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.

Chống lãng phí cũng trở thành “xu thế không thể đảo ngược”
Tổng Bí thư Tô Lâm.

Người cao nhất của Đảng ta cho rằng, ngoài những nguyên nhân dẫn đến từng dạng thức lãng phí, còn do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo. Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới.

Nêu các giải pháp trọng tâm, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”; tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để; xây dựng, triển khai thiết thực các cuộc vận động, phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Đồng thời cần tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công; giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng văn hóa phòng chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”; xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày; thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

Chống lãng phí cũng trở thành “xu thế không thể đảo ngược”
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Như vậy có thể thấy, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực không hề phai nhạt đi mà càng được quyết tâm hơn để làm trong sạch bộ máy. Thậm chí, người đứng đầu Đảng ta còn mở rộng quyết tâm đấu tranh chống lãng phí, đẩy mạnh lên thành phong trào từ Trung ương đến cơ sở, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện.

Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Chính vì thế, sau bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và tiêu cực cũng đã đổi tên và bổ sung ngay nhiệm vụ phòng chống lãng phí thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Nhận định về việc này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước bày tỏ sự nhất trí cao với sự quyết tâm của Đảng và người đứng đầu Đảng.

Theo ông Cường, tham nhũng, tiêu cực là làm thất thoát tài sản công chuyển thành tài sản cá nhân, nhưng lãng phí gây thất thoát cả tài sản công, tài sản của xã hội, làm mất đi lợi ích của xã hội.

“Lãng phí xảy ra ở tất cả các lĩnh vực, có thể ở cơ quan, tổ chức, kể cả người dân. Như vậy chống lãng phí trở thành hành động phổ quát, xuyên suốt, có thể được quy định bằng pháp luật, nhưng quan trọng hơn chống lãng phí phải trở thành ý thức, thói quen, văn hóa trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, ông Cường nói.

Do đó, giải pháp chống lãng phí cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư thì cần đặc biệt quan tâm đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, vì rất nhiều điểm nghẽn về thể chế, là nút thắt của những nút thắt, nếu không giải phóng, khơi thông được thể chế sẽ vẫn dẫn đến lãng phí, nhất là rào cản về thủ tục hành chính. “Với quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Đảng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thì tôi nghĩ thời gian tới công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí sẽ có bước đột phá”, ông Cường nhấn mạnh.

Thực tế, sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, cơ quan công an đã bắt đầu xử lý các vụ án gây lãng phí, cụ thể như: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) mới đây đã khởi tố vụ án gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản xảy ra tại Cổ phần Tập đoàn đầu tư Khoáng sản Hưng Thịnh; vụ án gây lãng phí ngân sách khi thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 - Ban 4 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

Hậu Lộc
Phiên bản di động