Hàng ăn ở vùng xanh Gia Lâm được bán mang về: Chủ quán vừa mừng, vừa lo
Hà Nội: Phường Dịch Vọng Hậu chủ động giữ vững “vùng xanh” "Vùng xanh" ngăn chặn Covid-19, lan tỏa yêu thương |
Ngay khi nhận được thông tin, anh Đạt - chủ một quán cơm ở Gia Lâm (Hà Nội) viết trên trang cá nhân: "Hôm nay (6/9), quán cơm nhà em mở bán mang về tại cơ sở 2. Ai không ra được thì gọi điện thoại, em gọi ship đến tận nơi". Dự kiến, trong ngày đầu mở bán mang về, quán anh Đạt sẽ làm khoảng 25 - 30 suất cơm. Thời gian mở bán bắt đầu từ 10h cho đến 12h.
"Quán cơm nhà tôi có 2 cơ sở nhưng hôm nay chỉ mở một cơ sở bên Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) để xem lượng khách thế nào rồi tính tiếp. Được cái quán tôi không phải thuê người, toàn người nhà tự làm nên khá chủ động trong việc mở cửa trở lại", anh nói.
Theo anh Đạt, trước dịch Covid-19, mỗi cơ sở nhà anh bán ra thị trường 200 - 300 suất cơm/ngày. Nhưng từ khi thành phố thực hiện giãn cách, nhóm khách hàng ruột của quán là học sinh, sinh viên đã về quê gần hết, nên lần này mở bán, quán chủ yếu là phục vụ cho người dân sinh sống gần đó.
Nhiều quán bán đồ ăn thuộc "vùng xanh" ở Gia Lâm (Hà Nội) đã mở bán mang về ngay trong sáng nay 6/9 (Ảnh: Đỗ Linh). |
Tương tự, chị Hà - chủ quán bún chả ở Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) cũng bắt đầu mở lại dịch vụ bán hàng mang về trong sáng nay. Tuy nhiên, lượng hàng bán ra rất ít, chỉ bằng 1/10 so với trước kia. "Sáng nay, lượng khách đến mua mang về ít lắm, chỉ tầm 4 - 5 người, chủ yếu là hàng xóm quanh đây, chứ có ai đâu. Do nhiều người cũng lo ngại dịch bệnh nên hạn chế ra ngoài", chị buồn rầu nói.
Còn anh Toàn, chủ một quán gà ở Gia Lâm (Hà Nội) thì hoãn việc mở cửa trở lại vào sáng nay, bởi anh muốn nghe ngóng thêm. "Lúc đầu, tôi định mở bán nhưng sau đó quyết hoãn lại vài ngày. Hôm nay, tôi chỉ qua quán dọn dẹp, sắp xếp lại bàn ghế. Nếu tình hình khả quan, tôi mở quán còn không thì thôi, chứ giờ mở ra không có khách thì cũng mệt", anh bày tỏ.
Mới đây, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ ăn mang về tại 19/22 xã, thị trấn "vùng xanh" trên địa bàn từ ngày 6/9. Theo huyện Gia Lâm, kế hoạch này được đề ra nhằm vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện duy trì và đẩy mạnh sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, về lâu về dài thì không thể giãn cách mãi. "Cuộc chiến với dịch bệnh là quan trọng hàng đầu nhưng chúng ta cũng không thể giãn cách mãi được. Đối với vùng đã kiểm soát được dịch thì nên cho phép hoạt động trở lại để hồi phục, phát triển kinh tế".
Tuy nhiên, để hiệu quả, các cơ sở kinh doanh khi được phép hoạt động trở lại cần nghiêm túc chấp hành phòng dịch, tuân thủ 5K và khuyến cáo của Bộ Y tế. Còn cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc phòng chống dịch trên địa bàn để đưa ra những giải pháp kịp thời.