Hải Dương: Sẽ tạm dừng thu hút các dự án gây ô nhiễm môi trường
Báo cáo PCI năm 2022 là lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Năm 2022, Hải Dương đứng thứ 6 cả nước về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). |
Theo đó, Hải Dương đứng thứ 6 cả nước về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) với 16,53 điểm, sau các tỉnh, thành phố: Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng; đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng sau tỉnh Bắc Ninh.
Đây là kết quả đáng khích lệ khi tỉnh kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh.
Trước đó, ngày 2/2/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 390/QĐ-UBND ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, tỉnh Hải Dương ưu tiên những dự án đầu tư theo mô hình sản xuất xanh, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường và “nói không” với những dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm (dệt có công đoạn nhuộm), giặt mài; sản xuất da, giày da và các sản phẩm có liên quan mà trong quá trình sản xuất có công đoạn thuộc da, sơ chế da, nhuộm; lọc hóa dầu,...
Điều này cho thấy, Hải Dương rất thiện chí trong thu hút nhưng cũng rất khắt khe trong sàng lọc các dự án đầu tư.
Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 4) diễn ra vào ngày 12/10 do UBND tỉnh Hải Dương tổ chức, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030.
Theo đó, giai đoạn 2023 - 2030, danh mục thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh gồm 129 dự án, bao gồm 1 dự án khu kinh tế chuyên biệt, 1 dự án hạ tầng giao thông, 40 dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp; 44 dự án xã hội hóa (gồm: 13 dự án thuộc lĩnh vực y tế; 7 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục; 6 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa; 15 dự án thuộc lĩnh vực thể thao (9 dự án sân gôn); 3 dự án thuộc lĩnh vực môi trường); 9 dự án nhà ở xã hội; 5 dự án sản xuất công nghiệp sử dung công nghệ cao, thân thiện với môi trường và dự án công nghiệp hỗ trợ; 19 dự án thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics; 9 dự án nông, lâm, thủy sản và1 dự án năng lượng.
Đáng chú ý, ngoài danh mục dự án tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương theo Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 2/2/2021 của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất , bổ sung một số dự án tạm dừng thu hút đầu tư như: Dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc các dự án sản xuất có phát sinh mùi đặc trưng; dự án thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực có sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế, cấm chuyển giao được ban hành tại phụ lục II và III của Nghị định số 76/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Dự án thuộc các ngành, nghề có công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên; Dự án sản xuất, kinh doanh bến, bãi (than, tro, xỉ) trên địa bàn thị xã Kinh Môn.
Đồng thời, sau phiên thảo luận, UBND tỉnh Hải Dương đã cơ bản nhất trí với đại diện các sở ngành, thống nhất tạm dừng thu hút một số dự án gồm: Dự án dệt nhuộm (dệt có công đoạn nhuộm), giặt mài; Dự án sản xuất da, giầy da và các sản phẩm có liên quan mà trong quá trình sản xuất có công đoạn thuộc da, sơ chế da, nhuộm da; Dự án lọc hóa dầu; Dự án sản xuất pin (trừ hoạt động gia công lắp ráp), ắc quy; Dự án chế biến mủ cao su; sản xuất, chế biến nguyên liệu cao su; sản xuất sản phẩm cao su (trừ hoạt động gia công lắp ráp, định hình cơ học sản phẩm)...