Hà Nội yêu cầu hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người để phòng, chống dịch

Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 8 quận Công an TP Hà Nội cảnh báo "sập bẫy" sàn giao dịch tiền ảo Garden.BO Kiểm tra công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại quận Đống Đa
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Sẵn sàng cơ sở vật tư phòng, chống dịch

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, từ ngày 19-25/4/2021, ghi nhận thêm 3 ca mắc mới là người từ nước ngoài về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cộng dồn giai đoạn 4 đến nay (từ 27/1/2021), thành phố có 51 ca mắc, trong đó, 35 ca mắc ở cộng đồng và 16 ca là người nhập cảnh.

Đáng chú ý, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong tuần, phát sinh 3 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam qua đường tiểu ngạch gần cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh. Cụ thể, ngày 21/4, những người này đi trên chuyến bay VJ134 từ Tân Sân Nhất đến Nội Bài, sau đó, bắt taxi từ sân bay Nội Bài đi thẳng về Thái Nguyên và Bắc Ninh; Không lưu trú tại Hà Nội. Hiện tại, cả 3 trường hợp đã được cách ly y tế, xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1.

Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, đợt 1, đã tiêm cho 8.574 người, hiện tại, các trường hợp này sức khỏe đều bình thường. Đợt 2, bắt đầu tiêm từ ngày 19/4, đến nay đã tiêm được 34.200 người, trên số đối tượng dự kiến là 53.350, đạt tỷ lệ 64,1%.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 được tiến hành bài bản. “Hy vọng, hết tháng 4 đến đầu tháng 5, thành phố sẽ tiêm hết số vắc xin đã được Bộ Y tế phân bổ trong đợt 2”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Sở thường xuyên rà soát các điều kiện để sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh. Trong đó, phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét đề xuất mở rộng các khu cách ly tập trung F1.

“Nếu có 100 bệnh nhân Covid-19 thì cần có 5.000 chỗ cách ly các trường hợp F1. Do đó, cần phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế để không lúng túng khi có tình huống xảy ra”, ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý.

Cung cấp thêm thông tin về các đơn vị làm xét nghiệm Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện nay, ngoài Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, có thêm 8 bệnh viện được triển khai công tác trên. Trong đó, có 6 bệnh viện được xét nghiệm sàng lọc và 2 bệnh viện (Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) được xét nghiệm khẳng định”. Tuy nhiên, để các bệnh viên trên làm tốt nhiệm vụ được giao, cần chuẩn bị sẵn sàng vật tư tiêu hao, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Từ bài học của các nước đang bùng phát dịch như: Lào, Campuchia, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đề nghị các quận, huyện có các điểm cách ly phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Việc tiêm vắc xin phải triển khai minh bạch, đúng đối tượng. Sở Y tế sẽ tập trung những khó khăn, vướng mắc trong công tác cách ly với các đối tượng ngoại giao và đề xuất, báo cáo UBND thành phố để có hướng dẫn cụ thể…

Lãnh đạo cơ quan chức năng phải trực điện thoại cả trong ngày nghỉ

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhận định tại Hà Nội, mặc dù đến nay đã 70 ngày không có ca mắc mới ngoài cộng đồng, song, thời gian sắp tới, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, theo dự tính, lưu lượng người đi và đến Hà Nội sẽ rất đông.

“Trước tình hình trên thế giới, các chuyên gia nước ngoài tiếp tục nhập cảnh vào Việt Nam và Hà Nội; Ý thức người dân còn chủ quan; Vị trí của Thủ đô là nơi giao thương… thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao”, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị, các Sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, siết chặt công tác phòng chống, dịch và sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19; Đồng thời, nâng cao mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lên mức độ cao. Các đoàn kiểm tra liên ngành, đoàn kiểm tra của các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác xử phạt; Rà soát, chuẩn bị các điều kiện khi có ca dương tính với SARS-CoV-2…

Liên quan đến các nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương quyết liệt chỉ đạo và giám sát nghiêm các biện pháp như: Khai báo mã QR- Code; thông điệp“5K” của Bộ Y tế… Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên tự đánh giá về an toàn phòng, chống dịch.

Đối với các cơ sở y tế, chợ, siêu thị, sân bay... các sở, ban, ngành và đoàn kiểm tra vào cuộc một cách nghiêm túc để phòng, chống dịch. "Chỉ cần một ý thức chủ quan, lơ là của người dân sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn", Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị chủ động trong công tác phòng, chống dịch, theo đó, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. “Khi phát hiện ca bệnh phải khoanh vùng, cách ly ngay, không để lây lan diện rộng và tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân”, đồng chí đề nghị.

Lưu ý các đơn vị thực hiện nghiêm công tác ứng trực, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Lãnh đạo cơ quan chức năng phải nghe điện thoại phản ánh ngay cả trong ngày nghỉ để cập nhật thông tin kịp thời và phòng chống dịch hiệu quả”.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị: Hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động đông người; Tiếp tục triển khai tiêm vắc xin đợt 2 bảo đảm an toàn, hiệu quả; Tăng cường giám sát về nhập cảnh, nhất là các điều kiện trước khi nhập cảnh; Đảm bảo an toàn tại các cơ sở cách ly.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động