Hà Nội xây dựng chiến lược chuyển đổi số, là trung tâm nhân tạo lớn khu vực
Xác định mục tiêu đi đầu toàn quốc về 5G
Phát biểu tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây, lĩnh vực bưu chính quy mô còn nhỏ nhưng hiện nay lại đang trên đà tăng trưởng và sẽ giữ được đà tăng trưởng từ 5-10 năm nữa. Điều này đồng nghĩa với việc bưu chính sẽ phải triển hơn viễn thông. Do đó, Hà Nội cần coi bưu chính là một loại hạ tầng, cần tạo điều kiện và tập trung đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ, hạ tầng số gồm hạ tầng viễn thông cộng với điện toán đám mây, là hạ tầng quan trọng nhất của phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, nhiều năm nay Hà Nội bỏ quên việc đầu tư cho hạ tầng này. Các doanh nghiệp số cần TP dẫn dắt để phát triển và đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị từ năm 2020, Sở TT&TT lập kế hoạch phát triển hạ tầng số, phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư, phát triển theo nhu cầu của thành phố.
Về phủ sóng 4G của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, tỷ lệ phủ sóng của Hà Nội thấp hơn trung bình của cả nước, nguyên nhân có một số khu của TP khó tiếp cận. Do đó TP cần hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện cho nhà mạng xây dựng hạ tầng vào những khu vực này. Hà Nội cũng cần xác định mục tiêu đi đầu toàn quốc về 5G. Đây cũng là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Để thực hiện chuyển đổi số, nhu cầu cấp thiết là mỗi người dân phải sở hữu một smartphone nhưng tỷ lệ này ở Hà Nội vẫn thấp, do đó TP cần có kế hoạch thúc đẩy nhanh việc thay đổi này. Phấn đấu đến hết năm 2020 là đạt được mục tiêu này. Các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội cần phải sạch, điều này cũng đồng nghĩa với rác như các nội dung độc hại phải được dọn sạch. Đây cũng là vấn đề quan trọng mà Hà Nội cần ưu tiên thực hiện.
Về ứng dụng CNTT như Chính phủ điện tử, Hà Nội nên đặt mục tiêu 100% với mức độ 4, Bộ TT&TT sẽ cam kết đồng hành cùng TP để hoàn thành trong năm 2021. Đối với Chính phủ số sẽ sinh ra nhiều dịch vụ mới nhằm phục vụ người dân. Đô thị thông minh chính là việc đưa công nghệ vào mọi mặt trong cuộc sống từ giáo dục, y tế cho đến giao thông. Hà Nội cần gắn liền việc phát triển đô thị thông minh gắn liền với chuyển đổi số.
TP Hà Nội cũng cần phối hợp với Bộ TT&TT đi đầu về xác định danh tính trên không gian mạng từ đó sẽ giúp triệt tiêu các thông tin xấu độc, chống phá chế độ đang tồn tại trên mạng xã hội. Bên cạnh đó cũng xây dựng Hà Nội thành TP hàng đầu về an toàn an ninh mạng không chỉ của Việt Nam mà còn là của cả thế giới.
Đối với lĩnh vực báo chí truyền thông, sau quy hoạch một số cơ quan báo chí của TP chưa có nền tảng chuyển đổi số, vì vậy, Bộ TT&TT sẽ đứng ra kết nối các doanh nghiệp số để giải quyết vấn đề này. TP cũng cần chú ý đẩy mạnh cơ chế đặt hàng cho báo chí nhằm giúp báo chí vừa đảm bảo công tác tuyên truyền vừa có thể phát triển bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, Hà Nội cần xem xét đầu tư cho lĩnh vực thông tin truyền thông khoảng 2% trên tổng ngân sách, điều này sẽ đảm bảo cho lĩnh vực phát triển nhanh và đúng với tiềm năng vốn có. Bộ TT&TT có thể giúp TP ra bộ chỉ số mỗi 6 tháng để giúp Hà Nội thấy rõ việc phát triển thông tin truyền thông đang ở mức nào so với các TP khác hoặc so với các TP trên thế giới, từ đó sẽ giúp TP phát triển hiệu quả hơn lĩnh vực này.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ký kết Biên bản hợp tác năm 2020, 2021 và định hướng các năm tiếp theo
Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Hà Nội là một đô thị đặc biệt, là Thủ đô của cả nước, dân số cố định và cơ động khoảng trên 10 triệu người, là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính, trung tâm lớn về khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, 6 lĩnh vực quản lý về thông tin và truyền thông của Bộ TT&TT đặc biệt quan trọng với Hà Nội. Trong thời gian qua hai bên đã có sự phối hợp, ký kết biên bản hợp tác để nâng cao công tác thông tin và truyền thông.
Cũng theo Bí thư Thành uỷ, nhu cầu của Thủ đô về phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông rất lớn, tuy nhiên sự phát triển trong lĩnh vực này còn chưa tương xứng, Hà Nội cần cố gắng rất nhiều để đẩy mạnh phát triển. Qua các ý kiến tại buổi làm việc, Hà Nội có thể xác định những quan điểm để thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh, thực hiện chuyển đổi số.
Để thực hiện những mục tiêu này, Hà Nội cần đặt chiến lược chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực và xác định chi phí. Theo Bí thư Vương Đình Huệ mục tiêu này rất cao và thành phố xác định sẽ dành nguồn lực cao để tạo dư địa cho phát triển. Chính vì vậy Hà Nội mong muốn Bộ TT&TT hỗ trợ để xây dựng chiến lược chuyển đổi số để năm 2026 Hà Nội trở thành trung tâm về an toàn, an ninh mạng, trung tâm nhân tạo lớn của cả nước và của cả khu vực.