Hà Nội: Tuyến đê hữu Hồng vừa mất 300 tỷ đồng nâng cấp đã xuất hiện nứt gãy
Hà Nội: Công bố tình trạng khẩn cấp trên nhiều tuyến đê bị sạt lở |
Theo Quyết định số 4417/QĐ-BNN-PCTT ngày 30/10/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Nâng cấp đê, kè hữu sông Hồng từ K26+580 đến K32+000 và từ K40+350 đến K47+980 TP Hà Nội, tại huyện Đan Phượng và thị xã Sơn Tây; Diện tích sử dụng đất 26,324ha. Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Thời gian thực hiện dự án nêu trên trong giai đoạn 2017-2021 nhằm nâng cấp đê hữu Hồng đoạn từ K40+350 đến K47+980 đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống lụt bão; Bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chống lấn chiếm hành lang đê, tạo cảnh quan môi trường; Kết nối giao thông trên đê hữu Hồng với mạng lưới giao thông theo quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong đó, hạng mục Nâng cấp đê hữu Hồng đoạn từ K40+350 đến K47+980, huyện Đan Phượng với chiều dài tuyến là 7.477,86m (giai đoạn 1) và 1.519.7m (giai đoạn 2); Đường giao thông trên đê được thiết kế bê tông nhựa asphalt rộng 9,0m, đường hành lang chân đê thượng, hạ lưu bê tông M250 rộng 5,0m; Điếm canh đê (Kiểu mẫu) là 7 điếm 1 tầng và 1 điếm 2 tầng.
Vị trí xảy ra sự cố nứt gãy thuộc tuyến đê hữu Hồng, đoạn qua huyện Đan Phượng, Hà Nội. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 1 là đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ chủ đầu tư Gói thầu 11, Dự án Nâng cấp đê, kè hữu sông Hồng từ K26+580 đến K32+000 và từ K40+350 đến K47+980.
Dự án này được triển khai thi công hoàn thành vào tháng 12/2019 và bàn giao cho đơn vị quản lý vào tháng 5/2020. Trong đó, đoạn đê K40+350 đến K47+980 do liên danh Công ty Xây dựng Tự Lập và Công ty Cổ phần Xây dựng số 2 Hà Nội thi công.
Trong các tuyến đê cấp 1 của huyện Đan Phượng, tuyến đê hữu Hồng giữ vai trò quan trọng, làm nhiệm vụ trực tiếp ngăn lũ sông Hồng bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Nhiều năm trước, tuyến đê này thường xuyên bị xâm hại nên được phê duyệt nâng cấp, cải tạo để đảm bảo an toàn mỗi khi mùa mưa lũ đến.
Đáng nói, mặc dù dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đê mới chỉ được bàn giao khoảng một năm, song thời gian vừa qua đã xuất hiện các vết nứt, gãy lớn. Vị trí xảy ra sự cố tại km46+160 đê hữu Hồng khi có nhiều vết nứt dài, dọc hành lang thượng lưu bị gãy khoảng 30m, các vết nứt có nơi rộng khoảng 3-5cm.
Các điểm nứt gãy vẫn chưa được xử lý, đe dọa an toàn của người dân xung quanh. |
Được biết, ngày 4/5/2021, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 1 đã có văn bản gửi Chi cục Phòng, Chống thiên tai Hà Nội cho biết, từ tháng 3 đến tháng 4/2021, Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng triển khai thi công bể chứa nước tại khu vực cạnh trạm bơm Đan Hoài. Nhà thầu thi công bể chứa nước đã đào toàn bộ phần đất tiết giáp với đường hành lang thượng lưu để thi công công tác cọc cừ, chiều sâu chênh lệch mặt đê, đường hành lang so với cao trình đáy hố móng bể chứa nước khoảng từ 20m đến 22m.
Theo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 1, do bể nước chứa nằm sát cạnh hành lang thượng lưu và mặt đê, việc thi công đào móng bể chứa nước đã tạo nên các cung trượt sâu tại mặt đê và đường hành lang, gây nên gãy dọc đường hành lang thượng lưu với chiều dài từ 15m đến 20m và gãy cọc mặt đê từ 20m đến 25m tại khu vực thi công.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 1 cho biết, ngày 29-30/4, nhà thầu thi công bể chứa nước xử lý khe nứt gãy bằng trát vữa xi măng, nhựa đường. Tuy nhiên, các khe nứt gãy ngày càng mở rộng gây mất an toàn công trình và an toàn giao thông.
Trong văn bản của mình, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 1 đề nghị Chi cục Phòng, Chống thiên tai Hà Nội xem xét, báo cáo các cấp có thẩm quyền và yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp để xử lý các cung trượt gây nên gãy dọc mặt đê và đường hành lang thượng lưu để công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão năm 2021.
Theo tìm hiểu, hạng mục công trình thu - trạm bơm nước thô (cạnh trạm bơm Đan Hoài) thuộc Dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng, do Công ty Cổ phần Nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây lắp Thủy lợi Hưng Yên.
Ghi nhận của phóng viên chiều 10/5, dù đã nhiều ngày xuất hiện vứt nứt gãy ở mặt đường tại km46+160 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Hiện tại điểm gãy nứt đã được đặt biển báo sự cố để tránh các phương tiện có tải trọng lớn lưu thông.
Trao đổi với phóng viên, một nhân viên tại Dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng lý giải việc đến nay sự cố nứt gãy tuyến đê vẫn chưa được giải quyết là để các đơn vị xác định nguyên nhân, chưa bên nào nhận trách nhiệm.
Theo tài liệu của phóng viên ghi nhận tại thời điểm tháng 2/2019 sẽ có "rất nhiều vấn đề để nói" liên quan đến quá trình thi công cũng như chất lượng đất đắp nền tuyến đê thuộc Dự án Nâng cấp đê hữu Hồng đoạn từ K40+350 đến K47+980.
(Còn tiếp)