Hà Nội: Công bố tình trạng khẩn cấp trên nhiều tuyến đê bị sạt lở

Hàng loạt các tuyến đê, bờ sông trên địa bàn Hà Nội đang xảy ra các sự cố sạt lở nghiêm trọng khiến UBND TP Hà Nội vừa công bố tình trạng khẩn cấp để khắc phục đảm bảo an toàn cho các tuyến đê này.
Hà Nội đốc thúc doanh nghiệp cổ phần hóa chốt phương án xử lý nhà, đất Bàn tay, khối óc trẻ thắp sáng đường quê Lúa nếp trưng bình bông: Ngát hương đồng giữa phố
ha noi cong bo tinh trang khan cap tren nhieu tuyen de bi sat lo
Tình trạng sạt lở trên một số tuyến đê của Hà Nội khiến người dân hoang mang, lo lắng (Ảnh minh họa)

UBND thành phố Hà Nội vừa công bố tình trạng khẩn cấp các sự cố sạt lở bờ sông, tuyến đê sông Đáy, sông Bùi, sông Đà, đoạn thuộc địa phận các huyện: Ba Vì, Quốc Oai và Chương Mỹ.

UBND TP yêu cầu cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khắc phục sự cố...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của các trận mưa lớn trong năm 2018 và 2019 nên bờ sông Đáy, đoạn thuộc địa bàn xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ) đã xuất hiện 2 vị trí sạt lở.

Ngay sau khi phát hiện, huyện Chương Mỹ đã xử lý sự cố. Tuy nhiên, thời gian gần đây, 2 vị trí này ngày càng sạt lở nghiêm trọng, gây sụt lún công trình, trực tiếp đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của 50 hộ dân ở thôn Cấp Tiến và 16 hộ dân ở thôn 6, 8.

Tương tự, sự cố sạt lở trên bờ hữu sông Đáy, đoạn thuộc địa bàn xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) đã làm sụt lún nhiều bụi tre, vật kiến trúc của 18 hộ dân, nứt nghiêng 125m kè bờ sông... Còn trên bờ hữu sông Đà, sự cố sạt lở đang mở rộng, gây sụt lún đất ở, công trình của 15 hộ dân ở thôn Phú Nhiêu (xã Thái Hòa, huyện Ba Vì).

Ngoài sự cố bờ sông, nhiều vị trí sạt lở trên đê tả Bùi (đoạn thuộc địa bàn hai xã Tốt Động, Quảng Bị của huyện Chương Mỹ) và trên tuyến đê hữu Đáy (đoạn thuộc địa bàn xã Yên Sơn của huyện Quốc Oai) tiếp tục phát triển, đe dọa trực tiếp an toàn tuyến đê...

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và an toàn các tuyến đê khi mùa mưa bão đã tới, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các xã và các huyện nêu trên khẩn trương cắm biển cảnh báo, ngăn không cho người dân vào khu vực xảy ra sự cố sạt lở; Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng sơ tán người và tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng đến nơi an toàn khi sự cố phát triển đột biến...

UBND thành phố cũng giao Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện dự án xử lý khẩn cấp chống sạt lở các sự cố nêu trên. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thống nhất tham mưu UBND thành phố cân đối nguồn vốn để thực hiện các dự án này...

Trước đó, ngày 29/5, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội có Báo cáo số 733/BC-CCĐĐ về hiện trạng công trình và đề xuất biện pháp xử lý sự cố sạt lở trên tuyến đê sông Đà, sông Hồng, sông Đáy trên địa bàn các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thanh Oai.

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tuyến đê Khánh Minh (đê cấp IV, thuộc bờ hữu sông Đà) địa bàn xã Minh Quang, đoạn từ thôn Phú Nội đến thôn Liên Bu dài khoảng 1,7km được đầu tư kè hộ chân năm 2010, hiện nay, đang xảy ra hiện tượng bị xói lở chân kè.

Trong đó, tại khu vực trạm bơm Đồng Tiến (đây là các vị trí đê sát sông) trong phạm vi khoảng 500m xuất hiện một số vị trí đang bị sạt lở sát chân đê và đoạn từ cuối thôn Liên Bu đến phía cầu Đồng Quang dài 450m đang xảy ra bị sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều.

Tại khu vực kè Khê Thượng tương ứng từ K4+100 đến K4+700 đê hữu Đà (đê cấp I) dài 600m; Kè được đầu tư xây dựng hộ chân kè bằng rồng đá, rọ đá, mái lát đá, trong các năm từ 1995 đến năm 2006 và năm 2011 đã được tu sửa rãnh thoát nước dọc đỉnh kè.

Hiện trạng công trình đang bị sạt lở, xói phần chân kè, mái kè một số vị trí bị bong xô, lún sụt, rãnh thoát nước đỉnh kè bị gãy, vỡ. Đây là vị trí đê kè xung yếu cấp thành phố, mái kè cũng là mái đê (xảy ra vỡ đê ngày 22/8/1971), hằng năm phải lập phương án bảo vệ.

Đối với tuyến đê hữu Hồng (đê cấp I), trên địa bàn huyện Ba Vì, trong những năm gần đây, đoạn đê thuộc địa bàn xã Chu Minh thường xuyên xảy ra sạt lở. Năm 2016, xảy ra hiện tượng sạt lở đặc biệt nghiêm trọng tại vị trí từ K21+500 đến K22+800 đã được UBND thành phố cho xử lý cấp bách và cho lập dự án cải tạo, sửa chữa đoạn từ K20+950 đến K21+200 nhằm ngăn chặn sự cố sạt lở. Hiện nay, công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên do sự biến đổi dòng chảy, dòng chủ lưu áp sát chân kè nên xuất hiện một số cung sạt, tạo thành vách đứng, chân kè bị sạt lở tại các đoạn tương ứng từ K20+700 đến K20+950 đê hữu Hồng, chiều dài khoảng 250m...

Tuyến đê tả Đáy (đê cấp I) ở huyện Thanh Oai, khu vực xảy ra sự cố sạt lở bờ sông tương ứng từ K29+600 đến K30+200 thuộc địa bàn thôn Thanh Giang, xã Thanh Cao. Đây là sự cố sạt lở đặc biệt nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến khu dân cư sinh sống tập trung...

Để đảm bảo an toàn đê điều, khắc phục kịp thời các sự cố sạt lở, hư hỏng công trình đê điều, sạt lở bờ sông, bãi sông, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đề nghị Sở NN&PTNT thống nhất với đoàn liên ngành, báo cáo UBND thành phố cho phép lập dự án cải tạo, sửa chữa các sự cố sạt lở trên địa bàn huyện Đan Phượng và Phú Xuyên và các đoạn còn lại không thuộc phạm vi xử lý cấp bách…

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động