Hà Nội tiếp tục hỗ trợ để người dân yên tâm tái sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh
"Dịch bệnh phức tạp và nguy hiểm lắm, được tiêm vaccine là mừng rồi" Từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh để cùng TP sớm bước sang giai đoạn bình thường mới |
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Cùng đại diện các sở, ngành liên quan; Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, xã, thị trấn... trên địa bàn thành phố.
Sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định
Báo cáo tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường cho biết: Nhờ những giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất khi dịch Covid-19 bùng phát nên ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục giữ được sự ổn định.
Cụ thể, 8 tháng năm 2021, toàn thành phố gieo trồng được 85.000ha lúa xuân, hơn 77.000ha lúa mùa, 28.454ha rau các loại; 5.778ha diện tích hoa, cây cảnh...
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến |
Chăn nuôi trâu bò ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn lợn có sự phục hồi, đạt 1,27 triệu con, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước; Đàn gia cầm đạt 39,8 triệu con, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản ước đạt 73,8 nghìn tấn, tăng 3%. Nông dân các địa phương đang vào vụ thu hoạch rộ lúa mùa, hứa hẹn bội thu...
Về kế hoạch sản xuất nông nghiệp theo phương án phân vùng các tháng cuối năm, toàn thành phố ổn định, chăm sóc tốt cho 19.390ha cây ăn quả hiện có tại phân vùng 2, 3. Tổng diện tích cây ăn quả cho thu hoạch 4 tháng cuối năm khoảng 12.347ha, chủ yếu là chuối, ổi, táo, bưởi, cam... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng dẫn trồng mới thêm 1.000ha cây ăn quả tại phân vùng 2, 3.
Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, Hà Nội tiếp tục duy trì phát triển tổng đàn chăn nuôi trâu, bò 27.000 con; Đàn lợn khoảng 1,6 triệu con trở lên; Giữ ổn định đàn gia cầm 40 triệu con. Đồng thời, TP rà soát, mở rộng phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 600ha, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cuối năm.
Để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, ngành Nông nghiệp nỗ lực phòng, chống ngập úng, giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả. Các địa phương cần chủ động vận hành tối đa các công trình tiêu thoát nước hợp lý trong hệ thống thủy lợi, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra mưa lớn...
Theo báo cáo của các địa phương tham dự hội nghị trực tuyến, sau khi thực hiện Chỉ thị 20/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố và phương án phân vùng chống dịch số 204 ngày 3/9/2021 đến nay, nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ nông sản tại các địa phương đã được tháo gỡ, sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội nghị |
Hỗ trợ mọi điều kiện để người dân yên tâm tái sản xuất
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành, địa phương nỗ lực tạo thuận lợi cho bà con, thương lái và hỗ trợ phương tiện thu hoạch, bảo đảm thu hoạch tốt lúa mùa, rau màu, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản các loại, giúp nông dân vượt qua khó khăn của đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tiếp tục quan tâm, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp, bình ổn giá vật tư đầu vào, giúp người dân tái đầu tư sản xuất...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao nỗ lực của ngành nông nghiệp thời gian qua, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19. Đặc biệt là trong việc phối hợp sản xuất - tiêu thụ, bảo đảm đầy đủ nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Nhấn mạnh ngành Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Bà con nông dân đang có tâm lý sản xuất cầm chừng do lo ngại thị trường chưa ổn định. Do đó, vấn đề thị trường cần được các sở ngành, địa phương quan tâm, tháo gỡ.
Toàn cảnh Hội nghị |
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành trong năm 2021, trong đó có việc chuẩn bị cung ứng hàng hoá dịp Tết Nhâm Dần 2022, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở ngành, địa phương tích cực, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện kế hoạch phân vùng sản xuất nông nghiệp. Trong đó lưu ý các địa phương vùng 2, 3 trước mắt huy động mọi nguồn lực để khẩn trương thu hoạch vụ mùa 2021.
“Về nguyên tắc, cần thu hoạch vụ mùa đến đâu, tiến hành làm đất, canh tác vụ Đông đến đó để bảo đảm nguồn cung cho người dân. Thành phố sẽ nghiên cứu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân; Đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương. Cơ chế phải đi cùng chỉ tiêu thì mới đạt được thành quả”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, các sở ngành, địa phương cần rà soát lại phương án phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; Quan tâm, định hướng phát triển ngành bảo quản, chế biến nông sản. Bởi trong bối cảnh dịch, điều này hết sức quan trọng nhằm lưu trữ hàng hoá được lâu hơn, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.
Song hành với phát triển nông nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai công tác xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt là đối với 5 huyện và 14 xã nằm trong kế hoạch về đích năm 2021.
“Thành phố chủ trương không chạy theo thành tích, tuy nhiên cần song hành tất cả nhiệm vụ để bảo đảm các mục tiêu phát triển”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến lưu ý thêm các huyện, thị xã tổ chức đón tiếp chu đáo các y, bác sĩ của địa phương bạn tới hỗ trợ, tổ chức tiêm vắc xin an toàn, đúng quy định. Cùng với đó, các địa phương thực hiện nghiêm quy định cách ly, điều trị tập trung với F0, F1... Cơ sở y tế phải có điều chỉnh linh hoạt, thực hiện nghiêm quy tắc "5K", "5T" của Bộ Y tế.