Hà Nội tích cực triển khai Nghị quyết 57

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết 57) không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, mà còn tạo động lực mới, như "khoán 10" trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025. Với tinh thần quyết tâm cao độ, TP Hà Nội đang tích cực triển khai Nghị quyết này.
Kỳ vọng “làn sóng” kiều bào về nước sau Nghị quyết 57 Chìa khóa đưa đất nước tiến xa Nghị quyết số 57 - Kim chỉ nam cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

Định hướng quan trọng cho chuyển đổi số

Có thể nói, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt ra những yêu cầu rất quyết liệt trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, cũng như đưa giải pháp mạnh mẽ nhằm giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học và người dân. Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng, dữ liệu, công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi. Những quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 57 là định hướng quan trọng cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian tới. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số chính là xây dựng hạ tầng số trong đó có hạ tầng về dữ liệu.

Trên thực tế, Hà Nội, với vai trò “đầu não” của cả nước đã xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thành ủy Hà Nội ban hành đã đề ra những mục tiêu cụ thể.

Cho tới nay, TP Hà Nội đã ra mắt Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội được thiết kế, xây dựng trên công nghệ điện toán đám mây riêng hiện đại, đồng bộ, bảo mật đa lớp. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, Trung tâm Dữ liệu chính đóng vai trò là hạ tầng công nghệ cốt lõi, đảm bảo nền tảng lưu trữ, kết nối và xử lý thông tin an toàn, hiệu quả cho các hệ thống quản lý và dịch vụ công.

Lãnh đạo Thành phố cũng cho biết, Trung tâm còn là nơi tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật, từ đó tạo ra những giá trị to lớn, thiết thực với 3 mục tiêu cho chính quyền, 3 tiện ích với người dân và 3 thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp.

Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội ấn nút khai trương Trung tâm Dữ liệu chính tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội ấn nút khai trương Trung tâm Dữ liệu chính tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Việc đưa Trung tâm Dữ liệu chính vào vận hành là một trong những công cụ chiến lược quan trọng để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong mọi mặt đời sống xã hội.

Việc quản trị và khai thác dữ liệu hiệu quả không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững với "tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội" mà còn khẳng định vai trò tiên phong của Thủ đô trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trước đó, với tinh thần, doanh nghiệp và người dân là đối tượng trọng tâm được hưởng lợi, Thành phố đã thí điểm hiệu quả Đề án "Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội”. Đề án nhằm tăng cường hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua hệ thống chi nhánh tập trung, liên thông, đồng bộ trên toàn Thành phố. Qua đó, tạo cơ chế tiếp nhận thủ tục hành chính (TTHC) phi địa giới hành chính, nâng cao sự minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ; hướng tới xây dựng chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số trong giải quyết TTHC.

Để thúc đẩy hoạt động hiệu quả hơn, mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 25/1/2025 về việc tổ chức hoạt động Chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội.

Chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công là đơn vị trực thuộc, tương đương cấp phòng của Trung tâm Phục vụ hành chính công, được thành lập trên cơ sở kế thừa, chuyển giao cơ sở vật chất, sắp xếp lại bộ phận một cửa thuộc UBND các quận, huyện, thị xã. Chi nhánh là đơn vị hạch toán độc lập, có con dấu riêng, được mở tài khoản để hoạt động theo quy định; có trụ sở đặt tại Bộ phận Một cửa hiện nay của các quận, huyện, thị xã; được bố trí văn phòng, trang thiết bị làm việc theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn 1: Giai đoạn 1 từ ngày 01/12/2024 đến ngày 01/3/2025, thí điểm, chọn lọc vận hành thử nghiệm đối với Chi nhánh Cầu Giấy, Tây Hồ. Giai đoạn 2 từ ngày 01/4/2025 đến ngày 30/6/2025, thành lập, tổ chức vận hành 10 Chi nhánh khu vực: Ba Vì - Sơn Tây - Thạch Thất; Đông Anh - Mê Linh - Sóc Sơn; Hoài Đức - Phúc Thọ - Đan Phượng; Hà Đông - Chương Mỹ - Quốc Oai; Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức; Thường Tín - Phú Xuyên - Thanh Trì; Hoàng Mai - Hai Bà Trưng; Nam Từ Liêm - Bắc Từ Liêm; Long Biên - Gia Lâm; Đống Đa - Hoàn Kiếm - Ba Đình. Giai đoạn 3 từ ngày 01/7/2025 trở đi, hoàn thiện, tổ chức vận hành chính thức các Chi nhánh.

Chi nhánh Cầu Giấy sẽ được mở rộng thêm địa bàn tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC của quận Thanh Xuân thành Chi nhánh Cầu Giấy - Thanh Xuân.

Cấp cơ sở triển khai tích cực

Xác định dữ liệu được coi là là nền tảng, chìa khóa quan trọng để chuyển đổi số một cách toàn diện, mới đây, Trung tâm Quản lý, tổng hợp và phân tích dữ liệu quận Ba Đình vừa được ra mắt. Trung tâm là nơi tích hợp, thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu từ tất cả các lĩnh vực hoạt động của quận, từ các hoạt động kinh tế-xã hội, văn hóa, đến các thông tin về môi trường, an ninh trật tự,… từ các phần mềm của Trung ương, thành phố để phục vụ công tác quản lý, giám sát, chỉ đạo, điều hành.

Hà Nội tích cực triển khai Nghị quyết 57
Trung tâm Quản lý, tổng hợp và phân tích dữ liệu quận Ba Đình vừa ra mắt

Được xây dựng như một “Cảng dữ liệu” để tích hợp, tập trung, thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý và cung cấp dữ liệu, Trung tâm tập trung vào việc kết nối, tích hợp, xử lý các dữ liệu có cấu trúc từ các phần mềm của Trung ương, thành phố và của quận để phục vụ công tác quản lý, giám sát, chỉ đạo, điều hành.

Theo lãnh đạo quận, thời gian qua, quận Ba Đình đã chủ động triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu của quận, tạo nền tảng cho việc khai thác, quản lý qua việc triển khai thực hiện các dự án như: xây dựng trang tin phục vụ phát triển kinh tế xã hội; triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch và số hóa hồ sơ, tài liệu của các phòng, ban chuyên môn, UBND các phường; ứng dụng công nghệ AI, xây dựng, lắp đặt và huy động hệ thống camera của người dân trên địa bàn phục vụ giám sát an ninh trật tự, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường; quản lý, theo dõi, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED ứng dụng công nghệ internet vạn vật IoT tại các ngõ, ngách; thí điểm triển khai xây dựng trường học thông minh…

“Trung tâm quản lý, tồng hợp và phân tích dữ liệu của quận Ba Đình là một trong những công cụ quan trọng, thúc đẩy chuyển đồi số toàn diện trong mọi mặt công tác của quận. Việc quản trị và khai thác hiệu quả dữ liệu không chỉ đặt nền móng cho việc phát triền bền vững với tầm nhìn mới, tư duy mới mà còn khẳng định quyết tâm và nỗ lực của quận Ba Đình trong việc thực hiện chuyền đổi số, tạo tiền đề cho việc đưa quận Ba Đình bước vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định.

Thái Sơn

Bình luận

Phiên bản di động