Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 57) vừa được Bộ Chính trị ban hành, trong đó nhấn mạnh đến tạo cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam làm việc, sinh sống. Điều này đã tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng cho bà con kiều bào. Nhiều người cho rằng, đây là "bước đột phá" của Đảng và Nhà nước trong việc trọng dụng người tài và thời gian tới, sẽ có một "làn sóng" người Việt trở về để sinh sống, làm việc và cống hiến trí tuệ cho đất nước.
------------------------------------------------------
Về vấn đề này, PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Liên, hiện đang là giáo viên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Việt tại Malaysia, "Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2023.
PV: Thưa bà, là một người có đóng góp nhiều cho cộng đồng người Việt ở Malaysia, bà có quan tâm và nhận xét như thế về Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa ban hành trong bối cảnh đất nước hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Liên: Tôi nhận thấy Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa ban hành đã xác định rõ tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với sự phát triển của đất nước. Nghị quyết có nội dung cụ thể, rõ ràng và phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam hiện nay trong bối cảnh chung của thế giới.
Trước hết, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định rõ vai trò của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia “Là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Thứ hai, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị rất cụ thể, rõ ràng về mục tiêu phát triển: Đến 2030: “Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến”.
Tầm nhìn đến 2045: “Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam”.
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Malaysia
Bên cạnh đó, mục tiêu về kinh phí cũng rất cụ thể và phù hợp: “Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.”
Định hướng đúng đắn, cụ thể về sắp xếp tổ chức: “Hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được sắp xếp lại bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo.”
Mục tiêu rõ ràng về nhân lực: “Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%.
Tất cả những điều nêu trên cho thấy tính khả thi trong việc thực hiện, đưa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vào cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Liên hiện đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Việt tại Malaysia.
PV: Nội dung bà quan tâm nhất trong Nghị quyết 57 này là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Liên: Trong mục III.4. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.”
Tôi thấy đây chính là “bước đột phá” trong chính sách thu hút và trọng dụng người tài của Đảng và Nhà nước. Khi có một môi trường làm việc tốt, có nhiều ưu đãi thì chắc chắn sẽ hấp dẫn người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao trở về.
Bên cạnh đó, trong Nghị quyết 57 cũng nêu ra vấn đề “Mở rộng đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng” và “Trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất”. Tôi thấy điều này cũng mang một ý nghĩa động viên rất lớn đối với các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Điểm thứ 2 mang “tính đột phá”, đó chính là Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư đã quán triệt về mặt quan điểm: “Xem đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua”.
Điều này sẽ giúp cho các nhà khoa học, nhà sáng chế mạnh dạn hơn trong nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng dám nghĩ dám làm hơn. Không sợ sai, không sợ thất bại mới có thể đạt được những thành tựu mới trong phát triển khoa học, công nghệ. Nếu nghiên cứu thất bại cũng sẽ công bố để người sau rút kinh nghiệm, không đi vào vết xe đổ của người trước sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí trong nghiên cứu khoa học – công nghệ.
"...Khi chính Việt Nam đã là một môi trường làm việc tốt, không thua kém các nước khác thì tôi tin rằng sẽ có một “làn sóng” trở về. Tôi hi vọng và chờ đợi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị sẽ tạo nên “làn sóng” ấy".
(Bà Nguyễn Thị Liên)
PV: Là một người Việt sinh sống tại nước ngoài nhiều năm, bà nhận thấy những tâm tư, nguyện vọng của người Việt với việc về nước làm việc, cống hiến vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học xã hội như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Liên: Hầu hết người Việt ở cộng đồng nơi tôi sinh sống cũng như bạn bè tôi quen biết ở các quốc gia khác đều có tấm lòng đối với quê hương, đất nước. Người Việt mà, “cây có cội, nước có nguồn”, ai cũng muốn đóng góp một điều gì đó cho quê hương, ai cũng mong đất nước mình phát triển. Đất nước có phát triển thì vị thế của người Việt ở nước ngoài cũng tốt hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ kiều bào tại chương trình Xuân Quê hương 2023 |
Nhưng nếu để phát triển công việc, sự nghiệp của mình thì mỗi người đều mong muốn được làm việc và phát triển ở môi trường tốt nhất, nhằm phát huy hết khả năng cũng như nhu cầu được trọng dụng. Với đặc thù công việc, những người hoạt động nghiên cứu khoa học càng ưu tiên vấn đề này.
Trong hoàn cảnh phải lựa chọn một môi trường làm việc ở quốc gia khác, thì bằng cách này hay cách khác, người Việt vẫn hướng về quê hương theo theo điều kiện và khả năng của mình. Còn khi chính Việt Nam đã là một môi trường làm việc tốt, không thua kém các nước phát triển thì tôi tin rằng các kiều bào sẽ mong muốn được về nước làm việc và cống hiến vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học xã hội.
Những lớp học tiếng Việt ở Malaysia góp phần lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới.
PV: Một trong những nhóm nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết là tạo cơ chế, chính sách đãi ngộ người tài và kiều bào. Theo bà, điều này sẽ khích lệ đồng bào ta ở nước ngoài về cống hiến tri thức cho đất nước như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Liên: Trong lịch sử, triều đại nào có “vua hiền” thì ắt có “tôi sáng”, có nhiều người tài đức ra giúp dân, giúp nước. Nhóm nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là tạo cơ chế, chính sách đãi ngộ người tài và kiều bào khiến tôi nghĩ đến việc “chiêu hiền, đãi sĩ” ngày xưa. Nếu Nghị quyết được triển khai tốt, cụ thể và quyết liệt gỡ bỏ được những rào cản trước đây thì tôi tin rằng Việt Nam sẽ là một môi trường tốt và hấp dẫn các nhà khoa học, nhà sáng chế kiều bào về nước.
Bà Nguyễn Thị Liên từng được trao nhận danh hiệu "Sứ giả tiếng Việt" năm 2023.
Tôi có 2 cháu, một cháu đang theo học ngành Tài Chính ở New York, cháu thứ 2 đang học lớp 11 và có hứng thú với ngành Khoa học Máy tính. Bản thân tôi cũng mong muốn Việt Nam sớm có những bước phát triển đột phá, tạo ra môi trường làm việc tốt với nhiều cơ hội cho thế hệ kiều bào trẻ mong muốn được trở về và cống hiến. Trong số đó có các con của tôi.
Như trên tôi đã nói, mỗi người Việt đều khát khao tìm kiếm cơ hội phát triển cho mình nên nhiều người đã chọn các quốc gia phát triển hơn Việt Nam. Nhưng khi chính Việt Nam đã là một môi trường làm việc tốt, không thua kém các nước khác thì tôi tin rằng sẽ có một “làn sóng” trở về. Tôi hi vọng và chờ đợi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị sẽ tạo nên “làn sóng” ấy.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bài viết: Thái Sơn Ảnh: NVCC |