Hà Nội tăng cường giám sát, xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch
Tạm dừng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến ngày càng phức tạp, xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây tại các khu vực chung cư tập trung đông dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp. Đáng chú ý, ngày 27/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện các ca nhiễm mới cùng sinh hoạt tôn giáo tại hội thánh truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp).
Để quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 1645/UBND-NC đề nghị dừng tổ chức hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung từ 0h ngày 29/5/2021, cho đến khi có văn bản hướng dẫn, thông báo mới.
Hà Nội đề nghị dừng tổ chức các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng từ ngày 29/5 |
Sau khi có văn bản yêu cầu của thành phố, các cơ sở đền, chùa trên địa bàn thành phố đều thực hiện đúng quy định đóng cửa, không để người dân đến tụ tập cúng lễ. Đơn cử, phủ Tây Hồ đã tạm đóng cửa theo quy định, trước cổng có đặt biển thông báo và lực lượng Công an phường cắm chốt để nhắc nhở người dân không vào phủ hành lễ.
Trung tá Đoàn Văn Dương, Trưởng Công an phường Quảng An (quận Tây Hồ), cho biết: Từ ngày rằm tháng Tư Âm lịch mới đây, phủ Tây Hồ đã đóng cửa, không tiếp khách. Tuy nhiên, tại phủ vẫn có hiện tượng một số người dân đến đứng ngoài đặt hương hoa lễ vọng. Công an phường và Ban Quản lý di tích đã nhanh chóng có mặt giải thích, yêu cầu người dân tuân thủ quy định phòng dịch.
Trên địa bàn phường Thạch Bàn (quận Long Biên), việc thực hiện quy định của thành phố nghiêm túc. Các cơ sở tôn giáo, đền, chùa đều thực hiện đúng quy định đóng cửa, không để người dân đến tụ tập cúng lễ. Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn Bùi Trí Đức cho biết, lực lượng cán bộ phòng, chống dịch được phân công tăng cường kiểm tra, giám sát trước cửa đền, chùa, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm nếu có.
Liên quan đến việc tạm dừng tổ chức hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, ông Vũ Quang Thịnh, Trung tâm thông tin Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: Ngày 7/5, Bộ Nội vụ đã phát hành công văn 1988/BNV-TGCP yêu cầu các cơ sở tôn giáo ở địa phương có dịch dừng hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Trước tình hình mới, các cơ sở tôn giáo của thành phố Hà Nội được yêu cầu tạm đóng cửa để cùng thực hiện và chung tay chống dịch.
Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm vi phạm
Tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, chính quyền các địa phương tiếp tục giám sát, xử lý nghiêm vi phạm.
Ghi nhận thực tế trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân... những ngày gần đây cho thấy, hàng quán ăn uống, cắt tóc, gội đầu đã thực hiện đóng cửa. Trên các tuyến phố Trần Khát Chân, Lò Đúc, Lê Đại Hành, Phương Mai, Duy Tân, Đào Tấn, Nguyễn Trãi... hầu hết cửa hàng đều treo biển “Bán mang về”.
Nhiều hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống tạm dừng hoạt động để phòng dịch Covid-19 |
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy định của thành phố, tại một số địa điểm công cộng, người dân vẫn chưa nghiêm túc trong phòng, chống dịch. Mặc dù, chính quyền các địa phương đã đóng cửa, tạm ngừng hoạt động các công viên, vườn hoa nhưng người dân vẫn cố tình tụ tập trước cổng để đi bộ, đạp xe, tập thể dục.
Cụ thể, vẫn còn nhiều người tập thể dục, thể thao dọc vỉa hè xung quanh Công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Tại khu vực xung quanh hồ Tây đoạn phố Trích Sài, Võng Thị (quận Tây Hồ), vào buổi sớm, chiều tối hằng ngày vẫn có nhiều người dân đạp xe, đi bộ, bơi lội...
Trung tá Đoàn Văn Dương, Trưởng Công an phường Quảng An (quận Tây Hồ) cho biết, quanh khu vực phủ Tây Hồ là bãi đất trống và đường dạo, thường tập trung đông người hóng gió. Đơn vị thường xuyên tổ chức tuần tra nhắc nhở người dân không tập trung, không bơi lội và nghiêm túc đeo khẩu trang.
Còn theo Đại úy Nguyễn Tài Nghĩa, Phó Trưởng Công an phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), trên địa bàn thường có hiện tượng người dân dừng xe cho chim bồ câu ăn dưới tượng đài vua Lê ở đường Lê Thái Tổ. Khu vực này cũng đã được Công an phường phối hợp cùng Tổ bảo vệ hồ Hoàn Kiếm tuần tra nhắc nhở và dán các thông điệp phòng, chống dịch ở vị trí thuận tiện để người dân chung tay thực hiện.
Để phòng chống dịch Covid-19, hầu hết cửa hàng treo biển “Bán mang về” |
Tổng hợp chung tại quận Đống Đa cho thấy, từ ngày 27/4 đến nay, quận đã xử phạt 542 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng và không chấp hành quy định phòng dịch. Tổng số tiền cơ quan chức năng phạt là 589 triệu đồng.
Tại huyện Gia Lâm, lực lượng chức năng cũng thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng… nhằm phòng tránh lây nhiễm dịch trong cộng đồng. Cũng trên cơ sở kiểm tra, rà soát địa bàn trong hơn 1 tháng qua, các xã, thị trấn đã xử phạt 118 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền phạt là 218 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho hay, 10/10 phường của quận đồng loạt ra quân thường xuyên, kiểm tra việc tạm dừng hoạt động các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống (550 cơ sở), cắt tóc, gội đầu (150 cơ sở). Lực lượng công an thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không cho phép tập trung đông người. Từ ngày 1/5 đến nay, quận đã xử phạt 364 trường hợp không đeo khẩu trang, phạt 558 triệu đồng; Xử phạt đối với 4 quán internet, tổng số tiền 60 triệu đồng và 3 quán bi-a với tổng số tiền 40 triệu đồng.
Diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, rất cần ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và cùng chung tay phòng, chống dịch của mỗi người dân với tinh thần mỗi người là một “chiến sĩ” trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. Có như thế, chúng ta mới sớm ngăn chặn và chiến thắng dịch bệnh nguy hiểm này.