Hà Nội phấn đấu có thêm 7 huyện, thị xã được công nhận hoàn thành xây dựng Nông thôn mới

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh hằng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây và 6 huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên và Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND thành phố, trình Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM).
Phụ huynh Hà Nội phải làm đơn xin "tự nguyện không cho con thi vào lớp 10" Tuyên truyền văn hóa giao thông mở màn Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè Khó khăn, thách thức là tiền đề tạo sức bật mới cho tăng trưởng

Chiều 1/7, dưới sự chủ trì của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU Thành ủy tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2020.

Huy động gần 12 nghìn tỷ đồng cho xây dựng NTM

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, giá trị gia tăng trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1,61% so với cùng kỳ năm 2019. Kế hoạch gieo trồng, chăm sóc cây vụ Đông - Xuân được thực hiện tốt, năng suất lúa ước đạt 60 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với cùng kỳ. Công tác tái đàn lợn được tập trung, tổng đàn lợn toàn thành phố hiện nay đạt khoảng 1,22 triệu con, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, diện tích nuôi trồng thủy sản tuy không biến động nhiều nhưng sản lượng gia tăng trên 6% so với 6 tháng đầu năm 2019 do áp dụng mô hình nuôi trồng năng suất cao…

Về xây dựng NTM, thành phố có 355/382 xã (đạt 92,9%), (tăng 33 xã so với quý II/2019) và 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 10 xã so với quý II/2019). Trong số 27 xã còn lại, 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí. Về kết quả xây dựng huyện NTM, ngoài 6 huyện đã được công nhận, thành phố cũng có 4 huyện và 1 thị xã đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành và đạt NTM.

Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã huy động được 11.795,8 tỷ đồng cho xây dựng NTM, nâng tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình từ đầu năm 2016 đến nay là 56.512,8 tỷ đồng.

Đối với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Sở NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy mạnh xây dựng, đề nghị công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, thành phố đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định công nhận sản phẩm OCOP Hà Nội; Hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP. Đến hết tháng 6/2020, thành phố đã đánh giá 301 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Phi Thường cho biết: Là vùng chiêm trũng, Ứng Hòa còn hơn 9.000ha đất lúa, cho thu hoạch thấp hơn rất nhiều đất trồng cây công nghiệp và thủy sản nhưng người dân cũng không muốn cho thuê đất nên huyện đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Với thế mạnh là nuôi trồng thủy sản, vướng mắc lớn nhất hiện nay lại là nguồn nước do thiếu hệ thống tưới tiêu.

Trong xây dựng NTM, năm 2020 huyện đặt mục tiêu có 4 xã về đích. Đây là các xã vô cùng khó khăn. Huyện đang tập trung hết sức, trong đó chú trọng tiêu chí nâng cao đời sống người dân. “Ứng Hòa cũng như Mỹ Đức rất khó khăn, đến nay thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 42,5 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện vẫn còn 595 hộ nghèo, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch rất ít…”, ông Nguyễn Phi Thường cho biết.

Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Phi Thường phát biểu tại Hội nghị
Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Phi Thường phát biểu tại Hội nghị

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng cho biết, huyện đang phấn đấu năm 2020 đạt huyện NTM để năm 2025 đạt huyện NTM nâng cao. Đặc biệt, huyện xác định NTM phải đặc trưng của Hà Nội, gắn với môi trường xanh, văn hóa đẹp.

Theo bà Hằng, vướng mắc hiện nay là sự quan tâm của các quận với các huyện trong xây dựng NTM còn chưa thỏa đáng. Vì vậy, bà Hằng đề xuất Ban chỉ đạo có điều phối chung để sự hỗ trợ của các quận với các huyện được bài bản, hiệu quả hơn. Ngoài ra, chỉ tiêu nước sạch trên địa bàn huyện vẫn còn rất thấp, các sở, ngành TP cần quan tâm tạo điều kiện cho các đơn vị đầu tư, mở rộng mạng lưới nước sạch tại các huyện ngoại thành.

Xây dựng NTM phải gắn với tiêu chí đô thị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Trong bối cảnh tập trung chống dịch Covid-19 song Thành ủy vẫn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Thường trực Thành ủy đã có 3 cuộc làm việc chuyên đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cùng với đó, HĐND, UBND thành phố đã nghiên cứu, xây dựng các chính sách, các văn bản chỉ đạo về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM; Trong đó, có cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn; Quy định nội dung chi, mức chi đối với hoạt động khuyến nông; Đang nghiên cứu để ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép...

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, trong đó, tháo gỡ vướng mắc về chính sách để các quận tiếp tục hỗ trợ các huyện xây dựng NTM.

Ghi nhận những kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình 02-CTr/TU trong 6 tháng đầu năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho rằng, tăng trưởng ngành Nông nghiệp vẫn còn thấp, đặt áp lực nhiều hơn cho 6 tháng cuối năm.

Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các quận, huyện rà soát, đánh giá thực chất kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU ở địa phương mình để đề ra phương hướng, nhiệm vụ của 5 năm tới; Trong đó, xác định việc thực hiện Chương trình 02 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng chí cũng lưu ý các huyện, thị xã rà soát, xây dựng NTM phải gắn với tiêu chí đô thị, nhất là đối với 5 huyện đã được xác định lên quận trong 5 năm tới.

Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU đề nghị các cấp, ngành tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2020 từ 4,12% trở lên. Muốn vậy, các địa phương, đơn vị phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để hình thành nhiều hơn các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, các chuỗi liên kết trong sản xuất; Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Đẩy mạnh tái đàn gắn với phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

“Hướng đi của nông nghiệp Thủ đô là phải phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, năng suất và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây và 6 huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên và Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND thành phố, trình Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch của các xã theo Thông tư số 02 ngày 1/3/2017 của Bộ Xây dựng. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung hướng dẫn các huyện, thị xã tháo gỡ khó khăn đối với hơn 4 nghìn thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp tham mưu cấp kinh phí thực hiện các tiêu chí ở các xã chưa đạt chuẩn NTM.

Đồng chí cũng yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp tham mưu với UBND thành phố tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách để các quận tiếp tục hỗ trợ các huyện xây dựng NTM. Sở Xây dựng đôn đốc, triển khai các dự án để nâng cao tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch.

Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU cũng đề nghị các sở, ngành, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề để nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng thuần nông. Từ nay đến cuối năm, thành phố phấn đấu có thêm ít nhất 700 sản phẩm OCOP…

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động