Hà Nội hạn chế phương tiện cá nhân - Bài 4: Cần những giải pháp đồng bộ!
Liên quan đến đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030 mà Sở GTVT Hà Nội công bố mới đây, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau. Xung quanh vấn đề này, Tuổi trẻ và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Đại biểu Phạm Tất Thắng (ảnh QH).
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc hạn chế phương tiện cá nhân ở thủ đô Hà Nội?
Ông Phạm Tất Thắng: Nên nhìn nhận sự việc ở hai góc độ, một là trước hiện trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ô nhiễm không khí và việc gia tăng phương tiện cá nhân nhanh chóng gây áp lực đến hệ thống giao thông trong thành phố thì cơ quan quản lý là phải có giải pháp xử lý. Việc tìm các biện pháp để giảm ùn tắc giao thông là việc làm cần thiết, đáng hoan nghênh của cơ quan quản lý thủ đô.
Tuy nhiên, đây không phải chỉ là quyết định hành chính đơn thuần mà phải có những giải pháp đồng bộ. Hạn chế phương tiện cá nhân thì phải gia tăng hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng hay nói cách khác là phương tiện công cộng phải đáp ứng được nhu cầu của người dân. Việc hạn chế là có liên quan đến quyền của công dân, vì vậy, trước khi đưa ra các giải pháp cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
PV: Ông nói về các phương tiện công cộng, Hà Nội đã có hệ thống buýt nhanh BRT bên cạnh buýt thường, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hiệu quả của loại hình này chưa đạt được kỳ vọng, theo ông nguyên nhân nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của buýt nhanh BRT?
Ông Phạm Tất Thắng: Một trong những nguyên nhân mà chúng ta vẫn thường gọi tên, nguyên nhân gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đó là ý thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn kém. Khi ý thức còn kém thì họ đi vào làn xe ưu tiên (BRT), dừng đỗ ở các giao lộ không đúng quy định gây ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện khác, gây ách tắc giao thông thậm chí là gây tai nạn giao thông, các phương tiện này chủ yếu là xe máy.
Nhiều xe máy chở cồng kềnh, xe hư nát không đủ điều kiện vận hành, lưu thông mà còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Theo tôi, đó không hẳn chỉ là lỗi của người dân mà cả của cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát không chặt chẽ để các phương tiện không đủ điều kiện vận hành tham gia giao thông. Ý thức của người dân là một nguyên nhân nhưng một mặt cơ quan quản lý cũng chưa có biện pháp quản lý hiệu quả để hạn chế, xóa sổ những phương tiện này.
PV: Những giải pháp nào để hạn chế phương tiện cá nhân, thưa ông?
Ông Phạm Tất Thắng: Trước tiên phải tuyên truyền, thứ hai là phải có giải pháp hạn chế việc gia tăng quá nhanh phương tiện giao thông cá nhân bên cạnh đó là nâng cao năng lực phục vụ của phương tiện giao thông công cộng, cơ quan quản lý phải nâng cao năng lực, làm sao để ngăn chặn, xử lý nghiêm những phương tiện vi phạm (xe máy chở hàng cồng kềnh, đi vào đường cấm, hết niên hạn sử dụng…) ý thức chấp hành giao thông của một bộ phận người dân kém nhưng chưa bị xử lý. Bên cạnh đó, mức xử phạt phải đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm.
Không thể cấm đơn thuần giống như việc chúng ta không quản được thì cấm mà phải có những biện pháp đồng bộ. Ví dụ như, tăng cường phương tiện giao thông công cộng, tăng chuyến để đảm bảo nhu cầu của người dân... Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ phải có và đầy đủ như điểm gửi xe máy, để người dân gửi xe trước khi đi tàu hoặc đi xe buýt nhanh BRT. Các phương tiện trung chuyển giữa đường sắt trên cao với xe buýt và buýt nhanh BRT phải đồng bộ để có thể dùng phương tiện công cộng để đi đến nhiều nơi trong toàn thành phố bởi nếu không đồng bộ thì họ vẫn sẽ sử dụng phương tiện cá nhân.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng đó là, nếu có mức giá phù hợp, an toàn và nhanh thì chẳng có lý do gì người dân cứ khăng khăng đi phương tiện cá nhân. Nó giống như cung cấp dịch vụ tốt mà giá thành hạ thì đương nhiên người dân lựa chọn mà không phải sử dụng các dịch vụ hành chính.
Hạn chế xe máy là đúng!
Nguyên đại biểu quốc hội đoàn Hà Nội Bùi Thị An khẳng định: “Hạn chế là đúng để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Về lâu dài nên hạn chế phương tiện cá nhân nhưng chỉ khi nào phương tiện công cộng có đủ năng lực để thay thế vì phương tiện cá nhân ở Việt Nam có những đặc thù riêng. Để làm được điều đó, các phương tiện công cộng phải tiện lợi, đúng giờ, giá cả phải chăng và có thể đến được mọi ngõ ngách ở thủ đô.
Tôi cũng đề nghị nghiên cứu lại quy hoạch giao thông để xem chỗ nào chưa hợp lý thì phải nghiên cứu lại để đồng bộ giao thông trong thành phố. Chúng ta đã có xe buýt nhanh BRT và sắp tới là tàu Cát Linh – Hà Đông, tuy nhiên, cần có thời gian để người dân sử dụng và làm quen sau đó mới đánh giá và kết luận về hiệu quả chung. Ngoài ra cũng phải làm rõ vấn đề, xe buýt nhanh BRT được ưu tiên đường riêng nhưng hành khách chưa nhiều, lưu lượng chưa lớn. Phải làm rõ nguyên nhân là tại sao? Nếu chưa thực hiệu quả tương xứng với tiền đầu tư thì phải xem xét.
Mọi giải pháp phải được tiến hành song song với việc tuyên truyền, giáo dục để người dân thay đổi những thói quen chưa phù hợp. Thói quen nào có thể thay đổi được để đáp ứng nhu cầu giao thông công cộng thì nên thay đổi vì cái chung”.