Hà Nội đứng đầu, giữ vai trò động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang có cả ba yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Các tỉnh, thành phố thuộc vùng đều có trình độ phát triển cao so với trung bình cả nước, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Hà Nội với chiến lược phủ xanh đô thị

Ngày 25/6, tại Hưng Yên đã diễn ra Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

ha noi dung dau giu vai tro dong luc phat trien cua vung kinh te trong diem bac bo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 9,86%; GDP đầu người năm 2018 đạt trên 4.800 USD, gấp 1,85 lần so với bình quân cả nước. Đặc biệt, đây, là vùng duy nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước có 100% các tỉnh, thành phố trong vùng có điều tiết về ngân sách Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, chỉ còn 2% theo chuẩn đa chiều.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang có rất nhiều thuận lợi với cả 3 yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Các tỉnh, thành phố thuộc vùng đều có trình độ phát triển cao so với trung bình cả nước, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

“Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc, nếu sớm giải quyết, tháo gỡ thì vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Cụ thể, vùng chưa phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để tạo ra động lực mới cho phát triển; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế. Sự liên kết giữa các địa phương trong vùng chủ yếu còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng mong rằng, sau hội nghị này, với sự đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học; các bộ, ngành, địa phương sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó có các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và các vùng kinh tế trọng điểm nói chung phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, tạo sức lan tỏa lớn và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Góp ý tại Hội nghị, các địa phương tập trung kiến nghị về liên kết vùng. Hà Nội được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò động lực phát triển của vùng KTTĐ Bắc Bộ khi đã đóng góp 51,1% về GRDP, 54,1% thu ngân sách, 203% về xuất khẩu trong vùng...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất 6 giải pháp trọng tâm để Bắc Bộ trở thành vùng kinh tế dẫn đầu, tiên phong với đột phá chiến lược. Trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển hiện đại hoá mạng lưới giao thông vận tải, khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và nhà ở tại từng địa phương.

Để thực hiện đồng bộ các giải pháp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề xuất Thủ tướng giao cho một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch vùng để có nhiều quyết định hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỉ lệ người nhập cư tăng ở một số thành phố, đặc biệt là Hà Nội đã gây ra tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nguy cơ ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, cung cấp nước và tiêu thoát nước cho các địa phương trong vùng. Trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2, cao hơn rất nhiều so với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN (khoảng 100-200 người/km2).

Ông Nguyễn Chí Dũng nêu một số giải pháp lớn, như xây dựng quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, tích hợp đa ngành đối với sự phát triển của vùng, quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới. Trong đó, phát triển từng tỉnh thống nhất với quy hoạch và chiến lược phát triển toàn vùng, gắn với vai trò "đầu tàu", "hạt nhân" của Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh...

Theo ông Dũng, muốn phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần khuyến khích sang mô hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp quốc tế. “Đón đầu, khai thác sử dụng những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong đa dạng các loại hình dịch vụ như y tế, thanh toán, giáo dục..”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động