Hà Nội: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách

Sáng 10/11, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020.
Hà Nội thực hiện quyết liệt các giải pháp, kiên quyết giải ngân hết vốn đầu tư công Hà Nội: Thực hiện tinh thần "góp gió thành bão" đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công Hà Nội đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020

Đồng ý điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020

Trình bày Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2); Cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, đến ngày 20/10/2020, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển toàn thành phố là 20.987,8 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch thành phố giao đầu năm 2020 và 51,6% kế hoạch Trung ương giao.

Trong đó, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 18.573,4 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch vốn giao đầu năm 2020 và giải ngân chi đầu tư phát triển khác là 2.414,3 tỷ đồng, đạt 38,9% kế hoạch vốn giao đầu năm 2020. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm, chưa đáp ứng so với yêu cầu và cần đẩy nhanh tiến độ để phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đã giao.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo tại kỳ họp
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo tại kỳ họp

Cùng với đó, trên địa bàn thành phố tiếp tục có những dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016 - 2020) cấp thành phố hoàn thiện thủ tục đầu tư và trong quá trình thực hiện, rà soát, một số dự án đang có vướng mắc khi triển khai thực hiện, không bảo đảm tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đó, một số dự án thực hiện tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Do vậy, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, UBND thành phố trình HĐND thành phố điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2); Cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020).

Thảo luận góp ý về vấn đề này, đại biểu Chu Văn Liên (tổ Ba Vì) bày tỏ đồng tình với nội dung tờ trình, báo cáo thẩm tra để xem xét, ban hành Nghị quyết này và cho rằng, xung quanh vấn đề thu thường xuyên cần quan tâm khai thác một số nguồn thu, quan tâm đến các dự án kinh tế du lịch, các nhóm dự án tại vùng đồng bào dân tộc như tại huyện Ba Vì.

Đại biểu Nguyễn Tiến Nhật (tổ Đống Đa) cũng bày tỏ đồng tình song đề nghị TP quan tâm hơn đến vấn đề quy hoạch giao thông tại các quận, huyện…

Sau khi thảo luận, các đại biểu HĐND thành phố đã nhất trí điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư năm 2019 kéo dài sang năm 2020 gồm: Điều chỉnh giảm 627,32 tỷ đồng của 42 dự án (538,389 tỷ đồng của 29 dự án nguồn xây dựng cơ bản tập trung của thành phố và 88,931 tỷ đồng của 13 dự án nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ các huyện) để bổ sung vốn cho 14 dự án (538,389 tỷ đồng cho 3 dự án nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung của thành phố và 88,931 tỷ đồng cho 11 dự án nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ các huyện).

HĐND thành phố đồng ý điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2020 gồm: Điều chỉnh giảm 2.355,36 tỷ đồng (của 78 dự án; Kế hoạch vốn bổ sung và hoàn trả Quỹ Đầu tư phát triển của thành phố; Vốn đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư trở lại từ nhà, đất; Hỗ trợ địa phương bạn; Vốn thanh quyết toán dự án hoàn thành; Vốn các dự án quy hoạch) để bổ sung vốn cho 112 dự án (1.225,837 tỷ đồng cho 36 dự án cấp thành phố và 1.129,523 tỷ đồng cho 76 dự án nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ các huyện).

Hà Nội: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách

Đồng thời, HĐND thành phố phân bổ chi tiết kế hoạch vốn để triển khai lập 42 đồ án, dự án quy hoạch và tiếp tục dành nguồn vốn để giải ngân theo cơ chế linh hoạt để thực hiện việc lập các đồ án, dự án quy hoạch đủ điều kiện khác.

HĐND thành phố cũng đồng ý điều hòa kế hoạch vốn xây dựng cơ bản cấp thành phố đối với 3 chủ đầu tư (tổng số tiền là 308,415 tỷ đồng) và điều hòa kế hoạch vốn ngân sách thành phố hỗ trợ cho một huyện (tổng số tiền là 83,5 tỷ đồng) theo quy định của Luật Đầu tư công.

Thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án sử dụng vốn đầu tư công

Cũng tại kỳ họp, UBND thành phố Hà Nội đã trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án đầu tư từ ngân sách cấp huyện.

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, các đại biểu HĐND thành phố đã thảo luận và thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư 6 dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội, gồm: Trụ sở làm việc Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Đan Phượng; Xây dựng trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Thường Tín; Cải tạo, nâng cấp trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân); Chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật phố Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm) đoạn từ nút giao phố Bạch Đằng đến bờ ven sông Hồng; Xây dựng tuyến đường 17,5m (mở rộng đường Trần Quốc Vượng) và đường nối từ Trần Quốc Vượng đến ngõ 86 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy; Cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu T0-5-2 (từ thôn 9 Nại Sa, xã Trung Châu qua thôn Địch Trong, xã Phương Đình ra kênh tiêu T0), huyện Đan Phượng. Đây là những dự án thuộc thẩm quyền của thành phố, có tổng mức đầu tư 992,385 tỷ đồng và đều được đầu tư từ ngân sách cấp huyện.

5 dự án không được HĐND thành phố thông qua, gồm: Xây dựng tuyến đường Thọ Am - Nội Am, huyện Thanh Trì; Xây dựng đường liên xã Thanh Liệt - Tam Hiệp - thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì; Xây dựng tuyến đường nối đường liên xã Vĩnh Quỳnh - Đại Áng với đường vành đai 3,5, huyện Thanh Trì; Chỉnh trang tuyến đường từ Nghĩa trang liệt sĩ Vân Hà đến hết địa phận huyện Đông Anh (theo quy hoạch); Xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 3 cũ qua thôn Phan Xá đến đường Đản Dị, huyện Đông Anh.

Lý do HĐND thành phố không đồng ý thông qua, bởi các tuyến đường này chỉ thuộc địa bàn một huyện và triển khai trên địa bàn các xã, không phải đường đô thị. Do đó, trách nhiệm đầu tư và quản lý các tuyến đường này thuộc thẩm quyền cấp huyện.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động