Hà Nội: Đảm bảo vai trò lãnh đạo cấp ủy Đảng, tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ

Bộ Nội vụ và UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Hà Nội xóa bỏ tình trạng đốt rơm rạ từ năm 2021 Nhà ở xã hội chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân về "giá và lượng" Để có việc làm ngay khi ra trường

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đồng chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Theo Bộ Nội vụ, dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 39 điều, quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; quy định về tổ chức, hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND phường; quy định mối quan hệ công tác của UBND phường; quy định tuyển dụng, quản lý công chức phường và tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường; quy định tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng - an ninh, lập dự toán ngân sách; Quy định các nội dung chuyển tiếp.

Mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh việc thực hiện thí điểm chính quyền đô thị là đặc biệt quan trọng để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Việc xây dựng dự thảo đã được thành phố và Bộ Nội vụ thảo luận kỹ, tuy nhiên rất cần ý kiến, kinh nghiệm đóng góp từ cơ sở để hoàn thiện dự thảo.

Thảo luận tại hội nghị, đa số các ý kiến đại biểu đồng tình, thống nhất với bố cục, nội dung dự thảo, đồng thời đóng góp một số ý kiến để quy định của dự thảo chặt chẽ, có hiệu quả thực hiện cao. Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn bày tỏ sự quan tâm đến mối quan hệ công tác với UBND phường với hệ thống chính trị phường bởi tổ chức chính quyền khi thực hiện thí điểm chỉ còn 2 cấp, trong khi hệ thống chính trị vẫn là 3 cấp. “Do đó, dự thảo cần có quy chế tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị phường để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả”, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm nói.

Về thu, chi ngân sách, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho rằng, UBND phường chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách chứ không còn là một đơn vị cấp ngân sách, do đó cần có hướng dẫn về việc chi ngân sách và tăng cường công tác giám sát vấn đề này.

Với đặc thù địa bàn vừa có phường, vừa có xã, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh nêu quan điểm, nếu công chức UBND phường là công chức cấp quận thì sẽ gây khó khăn cho công tác luân chuyển cán bộ giữa phường, xã với nhau.

Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thanh Minh, chức danh chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND cấp phường thuộc diện Ban Thường vụ quận, thị ủy quản lý, tuy nhiên dự thảo Nghị định chưa quy định rõ quy trình bổ nhiệm các chức danh này. Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đề nghị quy định cụ thể hơn, bám sát Quy định số 105-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, khi công chức UBND phường chuyển thành công chức cấp quận thì tổng lượng biên chế của Bộ Nội vụ giao cho thành phố có sự thay đổi về số lượng. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cần nhấn mạnh thêm trách nhiệm thực hiện Quy chế dân chủ ở cấp phường, đồng thời nghiên cứu liên thông quy định của Nghị định này với các cơ chế, chính sách khác và phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đánh giá cao và trân trọng tiếp thu các ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu. Qua tổng hợp ý kiến của các đại biểu cho thấy, dự thảo của Nghị định phải bám sát các nội dung của Nghị quyết số 97/2019/QH14, lưu ý bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng nhưng tránh chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, dự thảo cần thực hiện phân cấp và ủy quyền cho địa phương, nhất là về quy mô tổ dân phố phù hợp với đặc thù của Hà Nội, để vừa bảo đảm về mặt quản lý nhà nước, vừa bảo đảm các tổ cộng đồng hoạt động hiệu quả. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng đề nghị thành phố Hà Nội ban hành đồng bộ các văn bản để bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động