Hà Nội có 11 thí sinh F0 thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các thí sinh diện F0 được xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2022. Tuy nhiên, thí sinh diện F0 nếu có nguyện vọng tham dự kỳ thi thì sẽ được bố trí thi tại phòng thi riêng, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
Theo báo cáo từ 181 điểm thi trên địa bàn Hà Nội, ngoài số phòng thi chính thức, mỗi điểm thi đều bố trí tối thiểu 2 phòng thi dự phòng với đầy đủ các điều kiện cần thiết và bảo đảm an toàn, sẵn sàng đáp ứng cho thí sinh diện F0 dự thi.
Thí sinh thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 trước khi vào điểm thi |
Bộ GD&ĐT tạo quy định, việc xác định đối tượng thí sinh thuộc diện F0, F1 và ca bệnh nghi ngờ thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1909/BYT-DP ngày 15/4/2022 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần.
Thẩm quyền cấp giấy xác nhận thí sinh thuộc diện F0 cũng được quy định rõ. Cụ thể, đối với trường hợp đang được theo dõi, điều trị nội trú tại cơ sở y tế, do cơ sở y tế trực tiếp theo dõi điều trị ca bệnh cấp. Đối với trường hợp đang cách ly điều trị tại nhà hoặc nơi lưu trú, do chính quyền địa phương cấp.
Ngày 6/7, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã ban hành văn bản gửi các trưởng điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; Các trưởng phòng GD&ĐT; Hiệu trưởng trường THPT, hiệp quản, phổ thông dân tộc nội trú; Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX về việc tăng cường bảo đảm an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường bảo đảm công tác tổ chức thi tại các điểm thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không để xảy ra vi phạm quy chế thi; Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi; Bảo đảm các quy định phòng, chống dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự; Xây dựng phương án tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Các đơn vị, nhà trường theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; Duy trì liên hệ, thông báo ứng cứu kịp thời khi cần thiết; Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo thi các cấp; Đồng thời, phối hợp với ban chỉ đạo thi tại địa phương rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; Chủ động di dời máy móc, thiết bị, bài thi, đề thi, hồ sơ coi thi đến nơi không có nguy cơ ngập lụt bảo đảm bảo an toàn tuyệt đối; Xây dựng phương án và tạo điều kiện tránh trú an toàn tại chỗ cho thí sinh, cán bộ làm công tác coi thi và người nhà của thí sinh trong điều kiện cho phép; không để học sinh phải bỏ thi vì mưa lũ.
Bên cạnh đó, các đơn vị, nhà trường cần xây dựng phương án bảo đảm an toàn, chủ động phương án dự phòng tại địa điểm tổ chức kỳ thi; Hướng dẫn thí sinh phương án bảo đảm an toàn đề thi, bài thi trong quá trình làm bài thi; Tránh để nước mưa làm ảnh hưởng đến chất lượng đề thi, bài thi của thí sinh.
Các đơn vị, nhà trường tham mưu ban chỉ đạo thi tại địa phương và phối hợp với các lực lượng liên quan bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và bố trí khu vực chờ của cha mẹ học sinh; Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân của thí sinh; Không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hoặc đi lại.