Hà Nội: 5 xối đá cổ trăm năm bất ngờ bị bêtông hóa
Phản ánh tới Báo Lao Động, nhiều người dân xã Yên Sở (huyện Hoài Đức - Hà Nội) cho biết 5 xối đá tự nhiên (dốc làm bằng bậc đá đi lên, xuống đê) có tuổi đời cả trăm năm vừa bị xâm hại nghiêm trọng.
Theo đó, để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp giao thông trên địa bàn huyện Hoài Đức, nhà thầu thi công đã đào phá và thay mới hoàn toàn những bậc đá cổ bằng gạch bêtông không nung.
Vấn đề ở chỗ, người dân địa phương không hề được biết hoặc tham gia ý kiến vào sự thay đổi thuần túy cơ học này. Khi sự đã rồi, nghĩa là nhà thầu đưa máy móc vào đào phá, thì mọi lời phản đối đã trở thành vô nghĩa.
Người dân địa phương chỉ cho phóng viên nơi những viên đá cổ bị vùi lấp. Ảnh: Phùng Minh |
Tại hiện trường, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, nhiều viên đá cổ bị vứt chỏng chơ ven đường. Nhiều tảng đá khác lẫn chìm trong đất. Những viên đá màu xanh rêu hoặc trắng, ngả màu theo thời gian, đều có độ dày 20-30cm, bề rộng 30-40cm, chiều dài có viên đến 1m.
Vấn đề ở chỗ, với mỗi người dân nơi đây, những xối đá cổ này đã có tuổi đời hàng trăm năm, được coi là biểu tượng văn hóa tinh thần, là công trình xây dựng phục vụ việc đi lại trong các hoạt động văn hóa tín ngưỡng của nhân dân Yên Sở nói riêng và nhân dân các xã lân cận nói chung.
Bên cạnh đó, các dốc đá cổ còn gắn liền với Hội Giá và cụm di tích lịch sử Quán Giá đã được nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia.
Đội Nghiềm quân đi lên đê qua dốc đá cổ (ảnh tư liệu). |
Trao đổi với PV, cụ Nguyễn Bá Hân (SN 1931, trú tại Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, dù không chính thức được liệt kê vào công trình của cụm di tích lịch sử Quán Giá nhưng những hoạt động văn hóa truyền thống như Rước Giá Nghiềm quân nơi đây luôn gắn liền với những dốc đá cổ này.
Hằng năm, vào dịp lễ hội, các xóm đều tổ chức lễ rước vật phẩm xuống lễ thành hoàng làng tướng quân Lý Phục Man tại Quán Giá.
Những đoàn người mặc lễ phục rước lễ vật đều đi qua những con dốc này. Đặc biệt vào những năm chẵn, làng tổ chức đại đám làng thì đoàn rước đều sử dụng 2 đốc đá cổ tại thôn 6 và thôn 1 là dốc đi chính.
"Chúng tôi rất buồn, rất bức xúc. Khi sự đã rồi, chúng tôi đề nghị tận dụng các viên đá cũ để làm thành 1 dốc đá hoàn chỉnh, mang tính biểu tượng thì cũng không được", cụ Hân bức xúc.
Còn nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức Nguyễn Thế Dũng thì chia sẻ: “Năm 1970, khi còn làm Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, tôi vinh dự được đón tiếp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó là GS.TS Nguyễn Văn Huyên về làng chơi. Trong lần gặp gỡ ấy, cụ Huyên có kể lại vào năm 1937, cụ có về Yên Sở nghiên cứu về Lý Phục Man, Đình không xà, Quán Giá cũng như Hội Giá nên biết rất rõ các dốc đá cổ này”.
Nguyên Trưởng Phòng GDĐT huyện Hoài Đức Nguyễn Thế Dũng chia sẻ về xối đá cổ Yên Sở. Ảnh: Phùng Minh |
Vị nguyên Trưởng phòng cũng bày tỏ, dốc đá cổ Yên Sở không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là yếu tố tín ngưỡng của người dân nơi đây. Chính vì vậy, việc phá bỏ, vùi lấp những tảng đá cổ vẫn đang bền chắc vừa phung phí công quỹ vừa ảnh hưởng tiêu cực tới truyền thống văn hóa nơi đây.
“Năm 1990, chúng tôi nỗ lực khôi phục lại Hội Giá. Khi đó phải lật từng trang sách, tấm ảnh, mày mò bao ngày tháng. Những cái mất đi rồi thì cố gắng tìm kiếm lại. Ấy thế mà xối đá cổ đẹp, bền vững, mang tính lịch sử và tín ngưỡng như vậy thì lại phá bỏ đi” - ông Nguyễn Thế Dũng chia sẻ.
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp giao thông trên địa bàn huyện Hoài Đức do Sở NNPTNT Hà Nội phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư, đại diện là Ban Quản lý đầu tư xây dựng Hoài Đức. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 12.2018, thời gian thi công theo hợp đồng là 720 ngày, tổng vốn đầu tư 418,9 tỉ đồng, do liên danh Công ty CP Nhân Bình – Công ty TNHH Anh Huy – Công ty CP công trình giao thông 18 – Công ty CP xây dựng đô thị Hòa Phú thi công. |