Google bị phạt 1,7 tỷ USD ở châu Âu vì độc quyền quảng cáo
Trong bối cảnh các chính trị gia người Mỹ vẫn tiếp tục tranh luận và đề xuất các hình phạt pháp lý và chống độc quyền khác nhau đối với các công ty công nghệ “cộm cán” tại Thung lũng Silicon, thì các nhà lập pháp tại châu Âu đã và đang đặt ra một tiêu chuẩn toàn cầu mới, áp dụng cho nhiều tập đoàn lớn và giá trị nhất thế giới
Cụ thể, Google vừa mới bị Ủy ban chống độc quyền châu Âu phạt 1,7 tỷ USD vì lạm dụng thống trị trong ngành kinh doanh quảng cáo trực tuyến, bằng cách áp đặt các hợp đồng nhằm hạn chế và chống cạnh tranh với các đối thủ của mình.
“Google đã củng cố sự thống trị của mình trong lĩnh vực quảng cáo tìm kiếm trực tuyến và tự bảo vệ mình khỏi áp lực cạnh tranh bằng cách áp đặt các hợp đồng hạn chế chống cạnh tranh thông qua các trang web của bên thứ ba” - bà Margrethe Vestager, đại diện cho Uỷ ban chống độc quyền của EU chia sẻ. “Đây là hành vi bất hợp pháp theo quy định chống độc quyền của EU”.
Theo bà, hành vi bị lên án của Google đã kéo dài hơn 10 năm, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của các công ty tiềm năng, đổi mới, và lợi ích của người tiêu dùng vốn sẽ được hưởng từ sự cạnh tranh này.
Bà Margrethe Vestager, đại diện cho Uỷ ban chống độc quyền của EU, từng phạt Google tới 2 lần trong quá khứ.
Theo cáo buộc của nhà chức trách, Google trong nhiều thời điểm đã cấm mọi quảng cáo tìm kiếm từ các đối thủ cạnh tranh như Microsoft hoặc Yahoo, đồng thời cấm mọi quảng cáo của đối thủ hiển thị trên nền tảng Google Ads và cũng yêu cầu các nhà xuất bản phải có được sự chấp thuận bằng văn bản từ Google trước khi thay đổi cách họ xử lý quảng cáo từ các đối thủ cạnh tranh.
Đây là lần phạt thứ 3 mà Uỷ ban chống độc quyền EU “ưu ái” dành cho Google. Lần đầu, hãng bị phạt 2,7 tỷ USD vào năm 2017 vì thao túng kết quả tìm kiếm, nhằm ưu tiên dịch vụ mua sắm của riêng mình. Lần thứ hai, Google bị phạt 5,1 tỷ USD vào năm 2018 với cáo buộc sử dụng nền tảng di động Android để chống cạnh tranh từ các đối thủ làm phần mềm.
Bà Vestager lưu ý rằng sau khi bị phạt lần 2, Google đã thực hiện tốt hơn công việc của mình, khi cung cấp thêm cho người dùng các lựa chọn trình duyệt và công cụ tìm kiếm trên nền tảng Android.
Khác với những lần trước, Google nhiều khả năng sẽ không kháng cáo, mà chọn cách “ngoan ngoãn” chịu phạt, nhằm tránh điều tiếng.
“Chúng tôi luôn đồng ý rằng việc thị trường phát triển mạnh và đa dạng là vì lợi ích của mọi người” - ông Kent Walker, Phó Chủ tịch cấp cao của Google về các vấn đề toàn cầu, chia sẻ với báo giới sau khi nhận án phạt từ EU. “Chúng tôi đã thực hiện một loạt các thay đổi nhằm giải quyết các mối quan tâm của Ủy ban EU. Trong một vài tháng tới, Google sẽ triển khai các bản cập nhật tiếp theo để mang lại khả năng hiển thị nhiều hơn cho các đối thủ tại thị trường châu Âu”.