Giấy phép hành nghề dạy học dự kiến chỉ có giá trị trong 10 năm

Nếu như trước đây tại dự thảo Luật Nhà giáo (lần 2) dự kiến chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo được cấp miễn phí có giá trị suốt đời (trừ các trường hợp bị thu hồi) thì nay với dự thảo mới nhất, “Giấy phép hành nghề dạy học” chỉ có giá trị trong 10 năm.
Giáo viên mong mỏi giữ lại phụ cấp thâm niên Từ việc cô giáo Ngữ Văn bị xúc phạm trên mạng, nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo Bồi dưỡng học sinh giỏi, nâng cao chất lượng tuyển sinh

Trong hồ sơ thẩm định gửi Bộ Tư pháp, sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, bộ, ban ngành và địa phương, Bộ GD&ĐT đã thông tin về dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 với nhiều chỉnh sửa, bổ sung so với trước đây.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 mới nhất, dự kiến sẽ đổi tên “Chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo” thành “Giấy phép hành nghề dạy học” cũng nhận được sự quan tâm lớn từ đội ngũ quản lý, cán bộ, giáo viên cả nước.

Theo đó, giấy phép hành nghề dạy học dự kiến chỉ có giá trị trong 10 năm quy định tại Điều 18. Nguyên tắc, nội dung và điều kiện cấp giấy phép hành nghề dạy học.

Nguyên tắc cấp giấy phép hành nghề dạy học bao gồm: Cấp theo cấp học, trình độ đào tạo hoặc phương thức giáo dục; có thời hạn 10 năm và được gia hạn theo quy định; một người có thể được cấp nhiều giấy phép hành nghề dạy học nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Giấy phép hành nghề dạy học dự kiến chỉ có giá trị trong 10 năm
Ảnh minh hoạ

Dự thảo cũng nêu rõ các thông tin cơ bản để được cấp giấy phép hành nghề dạy học, bao gồm:

Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với nhà giáo là người Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với nhà giáo là người nước ngoài; trình độ, ngành hoặc chuyên ngành được đào tạo; cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng, thực hành nghề dạy học; cấp học, môn học, trình độ đào tạo hoặc lĩnh vực được phép hành nghề dạy học; thời hạn.

Người có đủ các điều kiện sau thì được cấp giấy phép hành nghề dạy học: Đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thực hành nghề tại cơ sở giáo dục theo quy định.

Ngoài ra, tại Điều 19. Giá trị sử dụng của giấy phép hành nghề dạy học cũng nêu rõ: Giấy phép hành nghề dạy học có giá trị sử dụng trong toàn lãnh thổ Việt Nam; giấy phép hành nghề dạy học có giá trị sử dụng tại quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam và theo quy định của nước sở tại.

Còn tại Điều 20. Cấp giấy phép hành nghề dạy học và công nhận giá trị tương đương chỉ ra rằng:

Giấy phép hành nghề dạy học được cấp cho các đối tượng sau: Nhà giáo đã được tuyển dụng, đang làm việc trong các cơ sở giáo dục trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành; cán bộ quản lý giáo dục đã có thời gian giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành; nhà giáo thuộc trường hợp được tuyển dụng đặc cách theo quy định của Luật này; nhà giáo đã được tuyển dụng, làm việc trong các cơ sở giáo dục và nghỉ hưu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành; các trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật này.

(Khoản 3 Điều 18 quy định “3. Người có đủ các điều kiện sau thì được cấp giấy phép hành nghề dạy học: Đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thực hành nghề tại cơ sở giáo dục theo quy định”).

Đây chính là những điểm mới đáng được ghi nhận, trước đây tại dự thảo Luật Nhà giáo lần 2 quy định ngoài đối tượng cấp miễn phí, còn có quy định “Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo”.

Như vậy, dự thảo mới nhất đã bỏ việc sát hạch chứng chỉ hành nghề nhà giáo đối với người được tuyển dụng sau khi luật có hiệu lực thi hành mà thay bằng việc bồi dưỡng và thực hành nghề tại cơ sở giáo dục theo quy định.

Giấy phép hành nghề dạy học hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với giấy phép hành nghề dạy học khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam với bên ký kết nước ngoài và còn hiệu lực; còn hiệu lực tại thời điểm đề nghị công nhận; có đủ thông tin cơ bản theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật này.

Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến cấp giấy phép hành nghề dạy học và việc công nhận tương đương giấy phép hành nghề dạy học.

Quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép hành nghề dạy học

Điều 21. Thu hồi giấy phép hành nghề dạy học:

1. Giấy phép hành nghề dạy học bị thu hồi trong các trường hợp: Nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 (hai) năm liên tục; nhà giáo không đạt điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề dạy học; nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải; người hành nghề dạy học tự do lợi dụng hoạt động giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trái với thuần phong mỹ tục; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự; hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định.

Dự thảo mới bổ sung thêm các trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề, trước đây dự thảo lần 2 chỉ có 3 trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề gồm: Nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 (hai) năm liên tục; nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải; hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định.”

2. Trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề dạy học theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này, nếu được cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc ban hành quyết định thu hồi giấy phép hành nghề không đúng thì được cấp lại.

3. Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến thu hồi giấy phép hành nghề dạy học.

Quỳnh Giang
Tags:
Phiên bản di động