Giải pháp nào để bờ vở sông Hồng trở thành không gian xanh và đáng sống?

Cải tạo khu vực bãi giữa và bờ vở sông Hồng sẽ giúp Hà Nội có thêm không gian công cộng xanh cho người dân, biến Thủ đô trở thành thành phố đáng sống cho tất cả mọi người.
Phát triển Hà Nội về phía Bắc sông Hồng - khi nhịp cầu nối những bờ vui Cần công cụ pháp lý để công viên văn hóa bãi giữa sông Hồng thành hiện thực Sông Hồng sẽ là biểu tượng phát triển mới của Thủ đô Hà Nội

Sáng 29/5, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Tiếp cận sinh thái và xã hội trong việc thúc đẩy đô thị bền vững và dung hợp: Sự tham gia của các bên liên quan từ kinh nghiệm ở Hà Nội” nhằm phản ánh thực trạng môi trường và mong muốn của người dân về phát triển bền vững khu vực này.

Tại sự kiện này, đơn vị tổ chức đã chia sẻ kết quả nghiên cứu khảo sát môi trường và sử dụng không gian bờ vở sông Hồng khu vực thuộc phường Phúc Tân và phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) do Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống kết hợp Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) và GreenHub thực hiện.

Hơn 100 đại biểu đã tham gia tọa đàm, cùng nhau trao đổi và thảo luận về chủ đề phát triển đô thị bền vững tại Hà Nội.

Theo nhóm nghiên cứu của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, môi trường ở khu vực bờ vở sông Hồng đang ở mức ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả phỏng vấn cho thấy, 308 người dân trên địa bàn khảo sát, có tới 59% cho biết họ bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm đến từ chất thải, 21% bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm từ nước thải và 25% bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm từ khí thải. Chất thải rắn, chất thải nhựa, và nước thải sinh hoạt không được xử lý cũng là những nguyên nhân chính khiến diện tích xanh lớn ở sát trung tâm thành phố Hà Nội chưa được tận dụng cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Giải pháp nào để bờ vở sông Hồng trở thành không gian xanh và đáng sống?
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng không gian công cộng của người dân khu vực bờ vở sông Hồng là rất lớn và đa dạng. Có tới 82% số người được khảo sát cho biết không gian công cộng rất quan trọng đối với cuộc sống của họ. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng công trình công cộng tại khu vực đang rất hạn chế, nhỏ hẹp và khó tiếp cận, đặc biệt đối với các nhóm đối tượng người già, người khuyết tật, người có sức khoẻ yếu.

Trình bày chủ đề “Hiện trạng sinh thái bãi nổi giữa và ven sông Hồng khu vực Hà Nội”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) cung cấp thông tin thực tiễn, cái nhìn tổng quan về thực trạng sinh thái và xã hội tại khu vực bãi giữa và bãi bồi ven sông Hồng.

Với chiều dài 120km chảy qua địa phận Hà Nội, bắt đầu từ Ba Vì và kết thúc ở Phú Xuyên, vùng bãi sông Hồng có giá trị tự nhiên và giá trị đa dạng sinh học nổi bật. Tuy nhiên, vùng bãi nằm giữa nội đô đang biến động tự nhiên và suy giảm hệ sinh thái do chịu áp lực phát triển, tác động đô thị hóa và các hoạt động canh tác nông nghiệp không bền vững ở vùng bãi gây ô nhiễm hệ sinh thái.

Với những giá trị đặc biệt về giáo dục và du lịch, chính quyền thành phố cần có những biện pháp quản lý vùng bãi ven sông nhằm bảo tồn sinh thái, tăng diện tích không gian công cộng cho người dân.

Giải pháp nào để bờ vở sông Hồng trở thành không gian xanh và đáng sống?
Các chuyên gia, thảo luận trao đổi về giải pháp phát triển khu vực bờ vở sông Hồng

Ngoài ra, Tiến sĩ Ngô Anh Đào, Trường Đại học Tổng hợp Montreal, Quebec, Canada, chuyên ngành Thiết kế và Quản lý Cảnh quan, Môi trường Sinh thái trình bày về chủ đề “Kinh nghiệm Vườn cộng đồng và các không gian bị quên lãng”. Với những kinh nghiệm thực tiễn và các mô hình cải tạo không gian đô thị, phát triển vườn cộng đồng của TS Ngô Anh Đào, tham luận mở rộng góc nhìn và tìm ra các giải pháp khả thi để thiết kế và quy hoạch đô thị theo hướng sống xanh, bền vững, kết nối cộng đồng dân cư và hòa hợp với thiên nhiên.

Ông Lê Quang Bình, Điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho biết, các ý kiến thảo luận đều nhấn mạnh rằng, để phát triển đô thị bền vững, cần tiếp cận từ góc độ sinh thái và xã hội, kết hợp hài hòa các yếu tố đặc thù của khu vực, nguyện vọng của người dân, hành lang pháp lý và chiến lược phát triển của chính quyền thành phố.

Giải pháp nào để bờ vở sông Hồng trở thành không gian xanh và đáng sống?
Tọa đàm lan tỏa thông điệp ý nghĩa thúc đẩy các hoạt động cải tạo không gian xanh ở Thủ đô Hà Nội

“Toạ đàm lần này cũng là một cơ hội để Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống tiếp tục lan toả những thông điệp ý nghĩa nhằm thúc đẩy các hoạt động cải tạo không gian xanh, bảo tồn sinh thái, tăng diện tích không gian công cộng và gia tăng sự kết nối giữa con người với thiên nhiên. Việc cải tạo khu vực bãi giữa và bờ vở sông Hồng trong tương lai sẽ là cơ hội để Hà Nội có thêm không gian công cộng xanh cho người dân, biến Hà Nội trở thành thành phố đáng sống cho tất cả mọi người” – ông Bình nhấn mạnh.

Giải pháp nào để bờ vở sông Hồng trở thành không gian xanh và đáng sống?

Người dân địa phương và đặc biệt là các bạn nhỏ tại sân chơi bờ vở Phúc Tân

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Sabina Stein, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, UNDP tại Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi đồng tình với kỳ vọng của người dân về việc biến bờ vở sông Hồng trở thành một biểu tượng của phát triển bền vững, đóng góp vào sự thịnh vượng về kinh tế, xã hội và văn hóa của Hà Nội. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền Hà Nội và quận Hoàn Kiếm, chúng ta có thể biến tầm nhìn này thành hiện thực.

Thái Sơn
Phiên bản di động