Gần một tỷ tấn thực phẩm đang bị lãng phí mỗi năm

Thực phẩm bị thải bỏ không chỉ phá hỏng nỗ lực giúp hàng tỷ người đang bị đói hoặc không đủ khả năng có một chế độ ăn lành mạnh, mà còn gây hại cho môi trường.
Hủy hoại sức khỏe vì giảm cân làm đẹp cấp tốc Hiểm họa từ những thực phẩm, thuốc giảm cân trôi nổi tràn lan trên mạng

Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), thế giới đang lãng phí gần một tỷ tấn thực phẩm mỗi năm, cao gấp đôi so với những ước tính trước đó.

Báo cáo cho thấy, trung bình mỗi thành viên trong một hộ gia đình thải ra 74kg thực phẩm mỗi năm. Đây là thực trạng mà cả nước giàu và nghèo đều phải đối diện.

Báo cáo của LHQ cũng bao gồm dữ liệu về rác thải thực phẩm trong các nhà hàng và cửa hàng, chiếm 17% tổng số thực phẩm bị thải bỏ. Ngoài ra, có một số thực phẩm bị thất thoát trong các trang trại và cả trong chuỗi cung ứng, nghĩa là có một phần ba trong tổng số thực phẩm không bao giờ được ăn.

Thế giới lãng phí gần 1 tỷ tấn thực phẩm mỗi năm (Ảnh: Reuters)
Thế giới lãng phí gần 1 tỷ tấn thực phẩm mỗi năm (Ảnh: Reuters)

Chỉ tính riêng tại Australia đã có tới 7,6 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí hàng năm. Sự lãng phí đó gây thiệt hại cho nền kinh tế xứ sở chuột túi 27,5 tỷ USD mỗi năm. Chính vì vậy, Australia đã phải đặt ra những sáng kiến để thay đổi thói quen này.

Ở Sydney, chính quyền địa phương đã khởi xướng chương trình tái chế, tập trung vào việc làm phân trộn hoặc chuyển những đồ ăn gần hết hạn đến các ngân hàng thực phẩm. Tại đây, những chiếc ghế tích hợp thùng ủ phân xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng chứa các thực phẩm thừa từ các quán cà phê và nhà hàng. Những sinh vật nhỏ như giun sẽ ăn rác hữu cơ và biến nó thành phân có thể sử dụng được.

Ông Michael Mobbs, nhà phát minh thùng ủ rác “Coolseats” cho biết: "Chúng không có mùi, mọi người thích vẻ ngoài của chúng, các quán cà phê thích chúng. Nếu bán thì tôi chỉ bán chúng với giá vài USD".

Tại bang New South Wales, nhiều chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang được tiến hành để tăng khả năng thu gom và ủ rác thực phẩm hộ gia đình ở quy mô công nghiệp. Với nỗ lực của cả chính quyền và người dân, giới chức Australia hy vọng sẽ cải thiện được tình trạng lãng phí thực phẩm hiện nay.

Tại Trung Quốc, theo ước tính, mỗi năm quốc gia này lãng phí khoảng 18 triệu tấn thực phẩm. Đây là số thực phẩm có thể đủ để nuôi 30 - 50 triệu người trong vòng một năm.

Năm ngoái, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật Chống lãng phí thực phẩm. Bộ luật này nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định cho khoảng 1,4 tỷ dân, chống lại các hành vi ăn uống xa xỉ, thừa thãi vốn tồn tại đã lâu trong đời sống ở nước này.

Lãng phí thưc phẩm không những gây thiệt hai về kinh tế mà còn tác động xấu đến môi trường, gây biến đổi khí hậu (Ảnh: Wikimedia Commons)
Lãng phí thưc phẩm không những gây thiệt hai về kinh tế mà còn tác động xấu đến môi trường, gây biến đổi khí hậu (Ảnh: Wikimedia Commons)

Theo bộ luật này, các nhà hàng hướng dẫn sai, khiến thực khách gọi đồ ăn quá mức cần thiết có thể bị phạt lên đến 10 nghìn nhân dân tệ (khoảng 36 triệu VNĐ). Đặc biệt, hành vi sản xuất, phát các chương trình video truyền bá việc ăn uống vô độ sẽ phải chịu mức phạt tối đa lên tới 100 nghìn nhân dân tệ (khoảng 360 triệu đồng).

Bên cạnh đó, bữa ăn trong các hoạt động công vụ cũng không được vượt quá tiêu chuẩn quy định. Người tiêu dùng ăn hết đồ ăn, tức tham gia “Chiến dịch vét sạch bát đĩa” có thể được thưởng, trong khi hành vi gọi món ăn gây lãng phí thực phẩm có thể bị thu phí xử lý rác thải thực phẩm.

Tại Pháp, quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng lệnh cấm các siêu thị vứt bỏ thức ăn không sử dụng mà thay vào đó mang ủng hộ các tổ chức từ thiện. Quy định trên có hiệu lực với tất cả siêu thị có diện tích từ 400m2 trở lên và nhà chức trách áp dụng mức phạt 3.750 euro nếu vi phạm.

Ngoài ra, Pháp cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến “tủ lạnh đoàn kết”. Bắt đầu ở Paris, “tủ lạnh đoàn kết” nhanh chóng lan ra nhiều thành phố trên toàn nước Pháp, Đây là nơi các chủ nhà hàng để món ăn còn thừa hay những thực phẩm như sữa, các loại nước uống, trái cây, rau quả hay đồ hộp không bán hết cho ai có nhu cầu đều có thể lấy về dùng. Mô hình này không những làm giảm lãng phí thực phẩm mà còn chứa thông điệp ý nghĩa. Đó là giúp đỡ những người khó khăn để có những bữa ăn đầy đủ hơn.

Báo: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động