Đừng quên những nhà sáng tạo độc lập

Dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (TTCNVH) của TP Hà Nội đang tiếp tục được lấy ý kiến. Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, thành phố cần chú ý đến đến đối tượng là các nhà sáng tạo độc lập, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền lợi và khuyến khích sự sáng tạo, đầu tư của các nghệ sĩ và nhà sản xuất.
Hà Nội: Nhiều hoạt động tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo Giới sáng tạo khấp khởi mừng đón tin vui

Lưu tâm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, nhận thức được vai trò quan trọng của CNVH, các văn bản quan trọng như Luật Thủ đô 2024 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được quy định và xác định rõ các định hướng phát triển rất cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực đặc biệt là các định hướng về phát triển trung tâm CNVH. Tại Dự thảo Nghị quyết về phát triển TTCNVH được TP ban hành mới đây đã quy định 3 mô hình hoạt động gồm: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hợp tác xã…

Tiến sĩ Lê Ngọc Anh cho rằng, thành phố Hà Nội cần bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa bằng cách đưa ra các chính sách và biện pháp hỗ trợ, giảm thủ tục hành chính cho các chủ thể trên. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính và tạo không gian làm việc chung cho các nhà sáng tạo độc lập. Điều này sẽ khuyến khích các nghệ sĩ, nhà thiết kế và nhà sản xuất độc lập phát triển, tạo ra các sản phẩm văn hóa độc đáo và có giá trị nghệ thuật cao.

Đừng quên những nhà sáng tạo độc lập
Tiến sĩ Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trình bày quan điểm góp ý cho Dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của TTCNVH.,

“Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền lợi của các nghệ sĩ và nhà sản xuất, khuyến khích sự sáng tạo và đầu tư trong ngành CNVH, tạo điều kiện để người sáng tạo và nghệ sĩ tiếp tục phát triển và đóng góp cho xã hội” – ông Ngọc Anh nói.

Thành lập các quỹ hỗ trợ nghệ thuật

Tham gia góp ý cho dự thảo này, ông Nguyễn Thế Linh, một nghệ sĩ sáng tạo cho biết, TP Hà Nội nên thành lập các quỹ hỗ trợ nghệ thuật và văn hóa nhằm tài trợ cho các dự án sáng tạo, các hoạt động biểu diễn, công trình nghệ thuật và các hoạt động khác trong lĩnh vực văn hóa. Nhằm đạt được mục tiêu đó, thành phố Hà Nội có thể dành một phần ngân sách để tài trợ cho các dự án sáng tạo và hoạt động văn hóa; huy động nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các quỹ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội và cá nhân.

TS Lê Ngọc Anh góp ý thêm: “Để thành lập các quỹ hỗ trợ nghệ thuật và văn hóa, thành phố Hà Nội cần thiết lập chính sách, quy định và quy trình xác định, đánh giá và phân phối các khoản tài trợ, bảo đảm sự minh bạch, công bằng và hiệu quả”.

Đừng quên những nhà sáng tạo độc lập
Ông Nguyễn Thế Linh góp ý về việc nên thành lập các quỹ hỗ trợ nghệ thuật và văn hóa nhằm tài trợ cho các dự án sáng tạo.

Cần sự quyết tâm, đồng lòng

Ngày 24/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã có văn bản số 80-KL/TW kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch. Bộ Chính trị kiên định quan điểm “Văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô”.

Đừng quên những nhà sáng tạo độc lập
Trưng bày của các nhà sáng tạo độc lập tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Việc ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành CNVH của Chính phủ.

Đặc biệt, phần Phụ lục XVII về phương án phát triển hạ tầng văn hoá, thể thao của Quyết định 1569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/12/2024 về phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục 17,18,19 đã xác định địa điểm để xây dựng các trung tâm CNVH là dọc khu vực hai bên sông Hồng và khu vực có lợi thế tại các quận, huyện, thị xã.

Đừng quên những nhà sáng tạo độc lập
PGS. TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

PGS. TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, việc ban hành Dự thảo về tổ chức và hoạt động của TTCNVH; khu phát triển thương mại và văn hóa cho thấy, Hà Nội luôn đi tiên phong trong việc phát triển CNVH, tạo dựng những mô hình phát triển CNVH đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.

“Đây là cơ hội để TP Hà Nội huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển CNVH Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại” – ông nói.

Theo chuyên gia này, TP Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách (chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế…), tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển các không gian sáng tạo và các ngành CNVH mà Thủ đô có thế mạnh.

Đừng quên những nhà sáng tạo độc lập
Các bạn trẻ biểu diễn cổ phục tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024

Thời điểm này, rất cần sự chung tay của toàn thể các cấp chính quyền, các ban, ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các nhà sáng tạo, các tầng lớp nhân dân đồng lòng để các nghị quyết, chính sách sớm đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, để CNVH trở thành nguồn lực phát triển mới của Thủ đô.

Thái Sơn
Phiên bản di động