Đưa công tác dân vận chính quyền trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng
Hà Nội: Nâng cao trách nhiệm công vụ, coi trọng công tác dân vận chính quyền để phát triển Thủ đô Công tác dân vận được Hà Nội thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực |
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Điểu K’Ré, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tham dự hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2019, hệ thống dân vận từ thành phố đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, có nhiều đổi mới trong công tác tham mưu, phối hợp.
Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ (QCDC) ở cơ sở các cấp đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện QCDC theo chương trình công tác đã đề ra; tiến hành kiểm tra việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở 177 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã và 5 sở, ngành thành phố; hoàn thành việc kiểm tra tại 584 xã, phường, thị trấn…
Ban Chỉ đạo công tác Tôn giáo thành phố và các các quận, huyện, thị xã đã tập trung chỉ đạo, xử lý và giải quyết tốt các vụ việc tôn giáo tồn đọng, phát sinh ngay từ cơ sở.
Công tác phối hợp và mối quan hệ giữa Ban Dân vận với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được duy trì nền nếp và hiệu quả hơn.
Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc, bài bản với 4 hội nghị cấp thành phố; 145 hội nghị cấp quận, huyện, thị ủy; 964 hội nghị cấp xã, phường, thị trấn.
Trong năm 2019, tổng số mô hình, điển hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp thành phố là 9.931 mô hình, trong đó, cấp thành phố 764 mô hình; cấp quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc thành ủy là 2.852 mô hình, cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp là 6.315 mô hình…
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Bùi Tuấn Ngọc, nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nắm bắt tình hình dư luận nhân dân tại một số địa phương trên địa bàn thành phố còn chưa kịp thời. Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp đã và đang tiến hành cổ phần hóa còn nhiều hạn chế, khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, công đoàn. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư ở một số cơ sở còn mang tính hình thức, chậm được sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định mới được ban hành…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré đánh giá cao những kết quả nổi bật của ngành dân vận thành phố Hà Nội đã đạt được trong năm 2019.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré lưu ý, trong năm 2020, thành phố cần tiếp tục đưa công tác dân vận chính quyền trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Đồng thời, tăng cường theo dõi, nắm tình hình nhân dân, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là trong lĩnh vực môi trường, đất đai. Đồng chí cũng lưu ý thành phố tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận, huyện ở những nơi có đủ điều kiện.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, nhấn mạnh các nhiệm vụ quan trọng của năm 2020, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Ban Dân vận Thành ủy cần chủ động tham mưu cho Thành ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tốt các nhiệm vụ về công tác dân vận; xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trọng tâm là làm tốt công tác dân vận chính quyền để từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới.
Đặc biệt, quán triệt sâu sắc và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, đó là: Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đặc biệt lưu ý hệ thống dân vận cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác theo dõi, nắm tình hình cán bộ, đảng viên, nhân dân trước, trong và sau đại hội đảng bộ các cấp; động viên nhân dân tham gia đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và Đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Trung ương và thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác dân vận. Chính vì thế, Ban Dân vận Thành ủy, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, nhất là việc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu hệ thống dân vận Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác dự báo tình hình và tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh, bức xúc trong nhân dân.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, đội ngũ cán bộ, công chức ngành Dân vận của Đảng bộ thành phố sẽ chủ động, nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm 2020, trọng tâm là nắm tình hình nhân dân, nhất là ở những nơi có đông đồng bào theo đạo và đồng bào dân tộc thiểu số.
*Tại hội nghị, đồng chí Bùi Tuấn Ngọc, nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 7 tập thể ngành Dân vận được nhận Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của UBND thành phố; 12 tập thể, 10 cá nhân được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy...