Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần thêm pháp lý để Hà Nội "hút" nhân tài

Vấn đề pháp lý về thu hút sử dụng nhân tài là khâu then chốt, đột phá để đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là TP Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao để xây dựng và phát triển Thủ đô Sẽ có Nghị định về thu hút trọng dụng nhân tài, khuyến khích cán bộ "dấn thân"

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đề ra những mục tiêu rất cao cho Thủ đô. Tới năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển ngang tầm các nước phát triển trên thế giới.

Nhóm PGS.TS Nguyễn Như Phát và Th.S Nguyễn Thị Thủy Tiên, Th.S Trương Tiến Hùng của Trường Đại học Hòa Bình cho rằng, để đạt được mục tiêu đó, vấn đề pháp lý về thu hút sử dụng nhân tài là khâu then chốt, đột phá bảo đảm cho sự thành công.

Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện nay về vấn đề nêu trên còn thiếu, chưa thể áp dụng sâu rộng, chưa đem lại hiệu quả cao, cần có sự nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với nhiệm vụ, mục tiêu lớn.

Nhân tài đã được trọng dụng

Thu hút và trọng dụng nhân tài được các cấp Đảng và Nhà nước quan tâm, chính quyền TP Hà Nội đã triển khai.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 13 Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 quy định: “HĐND TP Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài; Chính sách ưu đãi để áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học và công nghệ và các nhà khoa học và công nghệ tham gia thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô trên cơ sở cân đối nguồn lực của địa phương để thực hiện”.

Trên cơ sở này, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô.

Sau đó, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 143/KH-UBND ngày 6/9/2013 về triển khai thực hiện Nghị quyết vừa nêu. Đến ngày 19/6/2015, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế tuyên dương, khen thưởng thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP Hà Nội.

Sau gần 4 năm, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3263/QĐ-UBND ngày 26/5/2017 về bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm các cơ quan hành chính thuộc UBND quận, huyện, thị xã.

Gần đây nhất, ngày 16/5/2023, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2755/QĐ- UBND về kế hoạch thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp công lập.

Các văn bản pháp quy nêu trên kết hợp cùng với quy định của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ, TP Hà Nội đã tạo thành một hệ thống pháp lý cơ bản về thu hút sử dụng nhân tài.

Quy định về nhân tài, pháp luật hiện nay không quy định cụ thể, mà dựa trên thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, công tác và lao động, được các tổ chức có chức năng hay xã hội thừa nhận.

Cần thêm pháp lý để Hà Nội "hút" nhân tài
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương (bên trái) và ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội trao phần thưởng cho thủ khoa xuất sắc. Ảnh: Bảo Anh

Ngoài ra, hằng năm, Thủ đô cũng tiến hành tuyên dương, khen thưởng thủ khoa xuất sắc. Tính đến năm 2022, sau 20 năm, kể từ năm 2003, đã có 2.067 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô được tuyên dương, ghi danh vào sổ vàng truyền thống.

Các quy định của pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý cơ bản để thực hiện thu hút nhân tài, góp phần bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ quan, đơn vị ở TP Hà Nội.

Tuy nhiên, các quy định hiện nay còn ít, chưa bao quát và chưa thực sự đủ sức hấp dẫn thu hút nhân tài trong nước và trên thế giới về Hà Nội làm việc.

Chẳng hạn, hiện nay Bắc Ninh hỗ trợ ngay giáo viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ từ 100 - 220 triệu đồng, nếu cam kết làm việc ít nhất 10 năm thì được hỗ trợ nhà ở trị giá 1 tỷ đồng, còn ở Hà Nội chỉ hỗ trợ hơn 100 triệu đồng, mà không hỗ trợ nhà ở.

Việc bố trí, sử dụng nhân tài chưa có cơ chế riêng, phù hợp. Số lượng và chất lượng nhân tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô chưa tương xứng với tiềm năng.

Cần thêm cơ sở pháp lý về thu hút trọng dụng nhân tài

Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 là thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển ngang tầm các nước phát triển trên thế giới.

Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đề ra chỉ tiêu đến năm 2030.

Nghị quyết số 115/ 2020/QH14 của Quốc hội ban hành về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Đây là nhiệm vụ chính trị bắt buộc thực hiện, đòi hỏi Thủ đô Hà Nội phải có những sửa đổi bổ sung quy định cho phù hợp tình hình mới.

Trên cơ sở chính trị nêu trên, đồng thời qua thực trạng một số quy định pháp luật, nhóm PGS.TS và Th.S của Trường Đại học Hòa Bình đưa ra một số kiến nghị pháp lý.

Cụ thể, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định về nhân tài và tiêu chí xác định nhân tài. Tiêu chí về năng lực trình độ, năng lực thực tế. Tùy theo yêu cầu công việc cụ thể, Hà Nội xây dựng bản mô tả công việc chi tiết, đặc thù với các kiến thức chuyên môn, kỹ năng, phẩm chất, nhất là năng lực đặc biệt, vượt trội; Phẩm chất, ý chí thể hiện qua sức sáng tạo, niềm tin, khát vọng được cống hiến, đóng góp cho xã hội.

Thậm chí nhân tài phải có đề án khả thi, kế hoạch phát triển bản thân để giải quyết công việc. Sử dụng bộ công cụ đo lường theo các chỉ số IQ và các chỉ số khác trong xác định nhân tài.

Hà Nội cũng cần căn cứ vào thực tế và định biên, mỗi cơ quan xác định được vị trí thiếu hụt nhân sự, vị trí và năng lực nào là cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ... để từ đó tuyển dụng, bổ sung nguồn nhân tài cho sự thiếu hụt. Đây cũng là cơ sở để tăng tính hiệu quả chất lượng tuyển dụng, qua việc ứng viên phân tích vị trí cần tuyển để xác định các kiến thức, kỹ năng và khả năng mà ứng viên cần có để thành công trong công việc.

Để đạt được các mục tiêu lớn đề ra, Thủ đô cần có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, giải quyết các thách thức và những nhiệm vụ cấp bách ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Do vậy, các cơ quan tuyển dụng triển khai các biện pháp tìm mọi cách thu hút, giữ lại những sinh viên tài năng hàng đầu từ các trường cao đẳng, đại học trong nước và quốc tế.

Các nhà quản lý và tuyển dụng tìm hiểu sâu sắc về thế mạnh chuyên ngành của trường, của các sinh viên sáng giá nhất, mời họ vào thực tập tại các cơ quan Nhà nước, khảo sát về lý tưởng, sự nghiệp, kế hoạch sau khi tốt nghiệp, mục tiêu của tương lai, mong muốn về thu nhập... Từ đó, xây dựng kế hoạch tuyển dụng. Đây là cách tốt nhất để tiếp cận, thu hút nhân tài, nếu vị trí công việc, điều kiện và môi trường, cũng như đãi ngộ đủ hấp dẫn.

Trong bối cảnh không gian số, Thủ đô đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tuyển dụng. Các trang website của các cơ quan và cổng thông tin nên có chuyên mục đăng tải các cơ hội nghề nghiệp; Có danh mục hồ sơ ứng viên cần nộp và hoàn thành bài thi đầu vào trên mạng.

Hiện nay, trong bối cảnh xu thế toàn cầu hoá, nền kinh tế tri thức, nhân tài có vai trò quyết định đến hoàn thành các mục tiêu: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh cốt lõi, đảm bảo cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Chính vì vậy, thu hút và sử dụng nhân tài đang là vấn đề cốt lõi cho sự phát triển của Thủ đô.

Nhóm PGS.TS và Th.S của Trường Đại học Hòa Bình cũng cho rằng, trong chiến lược phát triển Thủ đô không thể thiếu chiến lược thu hút sử dụng nhân tài, như một khâu đột phá bảo đảm cho sự thành công.

Đối với một tài năng, việc tuyển dụng đã khó, nhưng để giữ chân tài năng đó ở lại làm việc lâu dài là vấn đề lớn, nhất là trong bối cảnh chính sách về tiền lương hạn chế so với khu vực tư nhân.

Việc sử dụng nhân tài phải đảm bảo đúng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đam mê, đúng sở thích và đủ độ khó, để nhân tài đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Muốn quản lý được nhân tài, trước hết nhà quản lý phải là một người tài, có tầm vượt trội.

Pháp luật cũng cần cho phép những người đứng đầu các cơ quan có quyền tuyển dụng và quản lý theo tự chủ thuê nhân sự và linh hoạt trong lịch làm việc, nhân sự có thể ở nước ngoài, hay làm việc bên ngoài công sở, có thể ở nhà, chất lượng công việc vẫn bảo đảm. Điều này, nhân viên lại có thể dễ dàng cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.

Hà Nội cần xây dựng bộ công cụ đánh giá trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác khoảng cách năng lực, kỹ năng mỗi cá nhân và giữa các nhân, cho họ hiểu biết sâu sắc về khả năng của mỗi người, đây là cơ sở phát triển một lực lượng lao động tốt nhất. Mỗi người lao động phải đáp ứng các tiêu chuẩn hiệu suất đề ra. Trong đó, kết quả lao động là chỉ số ưu tiên.

Thực thế, lợi ích luôn là sức hút mạnh mẽ đối với người lao động. Hiện nay, khu vực tư nhân đang trả lương, thưởng, trợ cấp, các chế độ an sinh rất cao. Ở một số địa phương khác cũng có mức đãi ngộ đặc biệt cao. Bối cảnh đó, Thủ đô cần có chiến lược, quỹ tài chính và biện pháp bảo đảm lợi ích dành cho nhân viên cao hơn so với khu vực tư nhân, địa phương khác.

Trên cơ sở đó, nhân viên TP Hà Nội có thể được hưởng nhiều quyền lợi hơn, như tăng thêm ngày nghỉ, bảo hiểm y tế và các chương trình hưu trí, hấp dẫn hơn. Chi phí lợi ích cho những người có tài năng, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư có nhà, đáp ứng mức sống khá cho cả gia đình họ. Đối với những thủ khoa xuất sắc đã vay tiền trả học phí, có đủ thời gian cống hiến cho Thủ đô, thì chủ động xoá nợ.

Để thu hút được các chuyên gia hàng đầu thế giới, Hà Nội cần đưa ra chính sách trọng dụng nhân tài bằng lợi ích đặc biệt hấp dẫn. Xây dựng nhiều mức lương, chương trình bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt phù hợp với mỗi cấp bậc người lao động và gia đình họ đi kèm. Ngoài việc nhận được mức tăng chi phí sinh hoạt hàng năm, được tăng lương định kỳ.

Chế độ hưu trí cũng phù hợp để nhân tài yên tâm cống hiến và công tác, đặc biệt lúc về già có cuộc sống đủ bảo đảm chăm sóc sức khỏe, lo hậu sự... Thủ đô xây dựng chính sách phúc lợi hưu trí toàn diện với các mức đáp nhiều sự lựa chọn khác nhau.

Cần thêm pháp lý để Hà Nội "hút" nhân tài
Trường Đại học Hòa Bình trao giấy khen cho các cử nhân có kết quả học tập cao (ảnh IT)

Đối với nhân tài, phẩm giá và sự công bằng minh bạch luôn được xem trọng. Vì vậy, Hà Nội cần bảo đảm môi trường làm việc minh bạch, rõ ràng, cạnh tranh, hiệu quả làm việc cao. Mặt khác phải xây dựng mối liên hệ đoàn kết, thân ái, vui vẻ phấn khởi trong công sở, để mỗi người đều cảm thấy mình có liên hệ rất mật thiết, có vai trò không thể thiếu trong tập thể.

Thăng tiến nghề nghiệp là nhu cầu, mong muốn tự thân của mỗi người, Hà Nội cần tạo mọi điều kiện, cơ hội cho mọi người là như nhau, chú trọng tài năng, nguyện vọng và sự phù hợp của người đó với vị trí mà họ đang mong muốn.

Đối với những tài năng thực sự, cơ quan quản lý nhân sự có thể tự cho phép người đó thăng tiến vượt cấp, không theo từng bước trong quy định chung của pháp luật. Những người giỏi không muốn ngồi một chỗ, họ luôn muốn chinh phục những đỉnh cao nhất, tham vọng bay cao hơn và xa hơn, đam mê thử thách. Khi họ thành công, tổ chức phải đánh giá và trao cơ hội thăng tiến.

Khả năng lớn nhất của một nhân viên giỏi đó là sự sáng tạo. Tình trạng “không có đất dụng võ”, không có đủ cơ sở vật chất trang thiết bị và không trao cho đủ thẩm quyền thì nhân tài không thể thể hiện hết kỹ năng, khả năng sẽ sớm giết chết những điểm mạnh của họ và sẽ khiến nhân tài rời bỏ nơi làm việc.

Do đó, người quản lý nên giao cho những nhân viên giỏi các công việc mang tính mới mẻ, gia tăng tính thử thách trong công việc, giúp nhân viên vượt qua bản thân họ, tự tin hơn, yêu công việc hơn.

Ngoài các vấn đề trên, nhóm PGS.TS và Th.S của Trường Đại học Hòa Bình đề nghị sửa đổi Khoản 2 Điều 13 Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 thành một điều luật riêng, thể hiện sự quan tâm xứng đáng. Cụ thể:

Khoản 1: “Trên cơ sở mục đích chung và mục tiêu phát triển trong từng lĩnh vực, HĐND TP Hà Nội ưu tiên nguồn lực của địa phương để ban hành, giám sát chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài”.

Khoản 2: “UBND TP Hà Nội chủ trì và kiểm soát, giao cho các cấp chính quyền xây dựng, thực hiện kế hoạch thu hút trọng dụng nhân tài với các tiêu chí cụ thể, quy định cơ quan chủ trì và trách nhiệm người đứng đầu, để chủ động tìm kiếm, thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ Đô. Các chính sách và quy định phải chú trọng các biện pháp ưu đãi đối với các nhà khoa học, dự án công nghệ trọng điểm của Thủ đô”.

Khi các quy định pháp luật được chi tiết hóa, bao quát, đồng bộ thì các cơ quan chức năng mới thực hiện được các mục tiêu đề ra. Mặc dù hiện nay, các quy định đã và đang tạo cho Thủ đô Hà Nội sức hút mạnh mẽ, bởi là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của cả nước. Tuy nhiên, muốn có sức mạnh đột phá, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, thì việc bổ sung những quy định nêu trên và sớm thực hiện là cần thiết.

Hoa Thành
Phiên bản di động