Thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao để xây dựng và phát triển Thủ đô

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trực tiếp đưa nội dung quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài là một quy định mới đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nguồn nhân lực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.
Hợp tác với Nhật Bản để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao Hà Nội: Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao trong kỷ nguyên số Triển khai thực hiện chương trình phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về nội dung này, đại diện các trường đại học đã có nhiều ý kiến tâm huyết.

Quy định tạo cú hích mang tính đột phá

Góp ý về việc thu hút, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, người có tài năng cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Bùi Xuân Phái - trường Đại học Luật Hà Nội tán đồng với quy định mới được đưa ra trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo cú hích mang tính đột phá cho xây dựng và phát triển thành phố trong thời gian tới.

Thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao để xây dựng và phát triển Thủ đô
Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác thu hút, bồi dưỡng nhân tài. (Ảnh: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao bằng khen cho các thủ khoa xuất sắc năm 2022)

Để các quy định này thực sự có ý nghĩa, khả thi và có hiệu quả thực tế, theo TS Bùi Xuân Phái cần quan tâm đến một số vấn đề. Đó là rà soát lại toàn bộ chính sách trong việc thu hút, trong dụng và phát triển nhân tài cho lĩnh vực công nói chung. Việc này nhằm tìm ra những điểm bất hợp lí, “bó cái khôn” trong công tác nhân sự.

Việc rà soát, đánh giá các quy định hiện hành sẽ là cơ hội tốt để tạo nên tính phù hợp, đồng bộ giữa các quy định của pháp luật với nhau và giữa luật Thủ đô với các văn bản pháp luật khác.

Thứ hai, thành phố cần phải có một khảo sát hoặc điều tra xã hội học trên phạm vi toàn xã hội và đặc biệt trên phạm vi Hà Nội về tình hình sinh viên tốt nghiệp ra trường - nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, đặc biệt là những đối tượng là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc. Khảo sát này cần chú trọng các nội dung về số lượng, về nhu cầu (của xã hội và của chính sinh viên), về tâm lí trong cống hiến, phục vụ, về mức thu nhập, khả năng sắp xếp vị trí việc làm, về cơ hội thăng tiến, cơ hội được phát triển, trong đó có cả cơ hội được đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao…

Bên cạnh đó, cũng theo ông Phái, thành phố cần có nghiên cứu kĩ hơn về thực trạng công chức đang tại vị để có đánh giá và điều chỉnh kịp thời nhằm “giữ chân” những người có năng lực thực sự đang làm việc trong lĩnh vực công. Đồng thời, chúng ta cần xem xét kinh nghiệm lịch sử và quốc tế trong việc sử dụng nhân tài để rút ra những bài học có thể áp dụng được cho Hà Nội, trong đó đặc biệt là bài học về phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ thỏa đáng.

“Việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao, người có tài năng phải có một sự thử thách nhất định để kiểm tra, đánh giá. Muốn thu hút phải có nguồn, do vậy cần phải tạo nguồn, tìm nguồn, duy trì nguồn, hình thành chính sách rõ ràng để từ đó mới có thể thực hiện việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, người có năng lực thực sự”, TS Bùi Xuân Phái nhấn mạnh.

Chính sách đãi ngộ cho nhân lực chất lượng cao như thế nào?

Góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, TS Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá: “Thủ đô Hà Nội là địa phương có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng ở nước ta, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Để có được vị thế đặc biệt này, Thủ đô rất cần có những chính sách đặc thù trong các lĩnh vực, trong đó có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, đãi ngộ, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô”.

TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội
TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội

Góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về nội dung thu hút nhân lực chất lượng cao và chế độ, chính sách trọng dụng nhân tài, Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: Chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đã được thể hiện khá rõ trong dự án Luật Thủ đô, cụ thể tại Điều 18:

“Điều 18. Thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

1. Người có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển của một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được hưởng các ưu đãi về tuyển dụng, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo và các ưu đãi khác.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố Hà Nội được quyền: a) Xét tuyển và tiếp nhận những người quy định tại khoản 1 Điều này vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; b) Ký hợp đồng với mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình cần sự đảm nhiệm của người quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội được ký hợp đồng với người thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao từ khu vực ngoài Nhà nước vào làm việc và đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo".

Đồng tình với cách thể hiện trong dự thảo, tuy nhiên, để chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao có tính khả thi và đem lại hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô theo ông Kiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần dự kiến thêm các nội dung sau đây vì dự án Luật chưa thể hiện những nội dung này.

Cụ thể, đó là tiêu chuẩn, điều kiện của nhân lực chất lượng cao. Vị trí được tuyển dụng, bổ nhiệm. Nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần và chính sách ưu đãi khác về lương và thu nhập đảm bảo ổn định của nhân lực chất lượng cao so với các cán bộ, công chức, viên chức khác. Bên cạnh đó là chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp cho nhân lực chất lượng cao. Quy trình, thủ tục tuyển dụng và bổ nhiệm cần đơn giản hơn…

“Hiện nay, trong dự án Luật Thủ đô chưa quy định rõ nội dung về chế độ, chính sách riêng cho nhân lực chất lượng cao, mới chỉ có chế độ tiền lương thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói chung tại Điều 19”, TS Đoàn Trung Kiên bày tỏ.

Cũng góp ý về nội dung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Đại tá, TS Nguyễn Hữu Phúc - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho biết: Tại khoản 2, Điều 18 quy định về thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố Hà Nội trong thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là quy định hợp lý. Tuy nhiên, để thực thi chính sách này trên thực tiễn cần xem xét tính thống nhất trong quy định của chính sách, bởi vì nếu người đứng đầu được trao quyền tuyển dụng nhưng họ bị tác động bởi chính sách ưu tiên.

“Để chính sách thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô Hà Nội có sự đột phá và mang tính khả thi cần bổ sung vào Dự thảo một số quy định tường minh, chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như quy định về chính sách đãi ngộ, hệ thống tiền lương, thưởng, phụ cấp; Cơ chế tôn vinh các danh hiệu cao quý của thành phố và Trung ương do thành phố đề xuất khi có thành tích đặc biệt xuất sắc”, Đại tá, TS Nguyễn Hữu Phúc nhấn mạnh.

Ngọc Minh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động