Du lịch học đường - hướng đi tiềm năng của thị xã Sơn Tây
Cử tri Sơn Tây kiến nghị nâng cao tiện ích, chất lượng của ứng dụng iHaNoi |
Vùng đất khoa bảng
Nói về truyền thống khoa bảng của thị xã Sơn Tây, PGS.TS.Bùi Xuân Đính, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết, trong hơn 850 năm của nền giáo dục và khoa cử nho học, tỉnh Sơn Tây có 68 người đỗ đại khoa, trong đó có một “Tam khôi” là Thám hoa Giang Văn Minh, người ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, còn lại chủ yếu là các đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và hoàng giáp.
Văn Miếu Sơn Tây - biểu tượng truyền thống hiếu học của xứ Đoài |
Trong suốt chiều dài lịch sử, Sơn Tây cũng là nơi sinh ra nhiều người đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển về chính trị, kinh tế, ngoại giao như: Ông Lê Anh Tuấn từng giữ chức Tham tụng kiêm Thượng thư bộ Hình, bộ Hộ; ông Nguyễn Bá Lân giữ chức Bồi tụng kiêm Thượng thư hai bộ Lễ, Hộ; ông Phí Thạc giữ chức Thượng thư bộ Hình; ông Phùng Khắc Khoan giữ chức thượng thư bộ Công, bộ Hộ… Nhiều người có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao, từng đi sứ và không nhục quân mệnh, là tấm gương tiêu biểu cho lòng trung quân, ái quốc như ông Phùng Khắc Khoan đi sứ năm 1597; Giang Văn Minh làm Chánh sứ năm 1638...
Tại Sơn Tây, có nhiều di tích thể hiện truyền thống hiếu học, khoa bảng của "vùng đất hai Vua". Trong đó, Văn Miếu Sơn Tây được các nhà khoa học đánh giá là công trình biểu tượng cho "đất học" Sơn Tây.
Toàn cảnh Văn miếu Sơn Tây |
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết: Di tích Văn Miếu Sơn Tây được triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng để thờ Đức Thánh Khổng Tử cùng các vị hiền triết và hàng trăm danh nhân khoa bảng vùng xứ Đoài xưa từng đỗ đạt những danh hiệu cao quý.
Văn Miếu Sơn Tây được khánh thành đời vua Thành Thái 1892, thuộc địa phận thôn Văn Miếu, xã Đường Lâm ngày nay. Năm 2007, Văn Miếu Sơn Tây được UBND tỉnh Hà Tây trước đây ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Giai đoạn 2008-2018, Nhà nước đã đầu tư, tôn tạo lại các hạng mục trong khu di tích theo những vị trí và kiến trúc vốn có của di tích.
Sau khi ra đời, Văn Miếu Sơn Tây đã phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của nó trong lịch sử phát triển của tỉnh Sơn Tây. Tuy nhiên, cùng với những biến cố của lịch sử dân tộc, di tích này cũng trải qua giai đoạn thăng trầm. Mãi tới năm 2008, Văn Miếu Sơn Tây mới được hồi sinh như buổi thịnh thời của nó. Điều này thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng bộ và các cấp chính quyền thị xã Sơn Tây, đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo các tầng lớp Nhân dân địa phương và du khách trong cả nước.
Phát triển du lịch học đường
PGS.TS. Dương Văn Sáu (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, hiện nay, du lịch Sơn Tây phát triển mạnh mẽ ở nhiều hình thức, phân khúc khác nhau. Du khách có thể trải nghiệm văn hoá làng quê Bắc Bộ cổ kính tại làng Đường Lâm, khám phá không gian hùng vĩ của hồ Đồng Mô, hoặc tận hưởng các dịch vụ cao cấp tại sân golf Đồng Mô.
Trong đó, du lịch học đường đã và đang phát triển mạnh, đặc biệt là Văn Miếu Sơn Tây trở thành điểm đến hấp dẫn của hành trình du lịch văn hóa về xứ Đoài mây trắng.
Các đại biểu là thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây thực hiện nghi thức khai bút đầu năm 2024 |
"Với những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc, Văn Miếu Sơn Tây hôm nay là một điểm đến rất hấp dẫn với nhiều đối tượng du khách khác nhau. Di tích này đặc biệt thu hút các em học sinh sinh viên " - PGS.TS. Dương Văn Sáu chia sẻ.
Để khai thác giá trị của Văn Miếu Sơn Tây hiệu quả hơn, PGS.TS. Dương Văn Sáu cho rằng, cơ quan quản lý cần có các giải pháp phù hợp để phát huy giá trị với vị thế là một điểm đến đặc sắc của loại hình du lịch học đường.
Các đại biểu thành phố và thị xã Sơn Tây tham gia trồng cây tại Văn Miếu |
"Điều đặc biệt quan trọng là phải tổ chức trong không gian Văn Miếu Sơn Tây những hoạt động thật khoa học, hiệu quả, phù hợp với tình hình, điều kiện, nhu cầu từ thực tế xã hội trong đó có hoạt động du lịch học đường. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng Văn Miếu Sơn Tây sẽ ngày càng phát huy giá trị của nó trong quá trình xây dựng nền kinh tế tri thức hôm nay" - PGS.TS. Dương Văn Sáu nhấn mạnh.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội khai bút đầu Xuân tại Văn Miếu Sơn TâyNgày 17/2 (tức mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn), thị xã Sơn Tây tổ chức lễ khai bút đầu năm và phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Giáp Thìn năm 2024. Buổi lễ có sự tham dự của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Trần Thế Cương cùng đông đảo cán bộ, Nhân dân thị xã Sơn Tây. |