Dự án sách xúc giác dành cho trẻ khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam

Nhóm tác giả Trịnh Thu Thanh và Nguyễn Thị Hằng đến từ Hà Nội đã sáng chế “Phát triển sách xúc giác cho trẻ khiếm thị”, được vinh danh top 5 xuất sắc trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021, nhận giải thưởng 100 triệu đồng.
Chàng thanh niên khiếm thính và con đường trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng Ligante: Tạo sân chơi cho trẻ khuyết tật Chàng kỹ sư của học sinh khiếm thị

Giúp phát triển kỹ năng tri giác, xúc giác

Chị Trịnh Thu Thanh, đại diện nhóm dự án cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, nhóm triển khai giai đoạn làm sách đại trà. Chúng mình kêu gọi tình nguyện viên tham gia cùng. Sau khi làm ra những cuốn sách xúc giác, nhóm mang đến đọc trực tiếp cho học sinh khiếm thị tại thành phố Hà Nội. Trong đợt dịch COVID-19 căng thẳng vừa qua, nhóm cho các bạn mượn để mang về đọc với bố mẹ.

Trong quá trình triển khai dự án “Phát triển sách xúc giác cho trẻ khiếm thị”, nhóm cũng gặp một số khó khăn. Trước hết, đây là hoạt động nghiên cứu, làm sách xúc giác đầu tiên ở Việt Nam, thiếu những tài liệu liên quan, nên nhóm phải tìm kiếm, nghiên cứu, học tập các tài liệu bằng tiếng Anh, chuyển dịch sang tiếng Việt. Trong khi cách làm của người nước ngoài cũng khác Việt Nam. Khó khăn nữa là liên quan đến kinh phí, nhóm hoàn toàn làm bằng tay với vải, bìa và nhiều chất liệu làm thủ công nên khá tốn kém.

Tuy nhiên, các thành viên nhóm kêu gọi cộng đồng, tình nguyện viên thêu thùa, may vá làm sản phẩm. Sau dần, nhiều người biết đến dự án có kinh nghiệm may, thêu và đã làm ra những quyển sách rất đẹp. Các tác giả cũng là những nghiên cứu viên chuyên ngành về giáo dục trẻ khiếm thị của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ của bà Louise France, chuyên gia khiếm thị UK, nên nhanh chóng khắc phục được những khó khăn và phát triển sản phẩm rộng rãi hơn”.

Nhóm tác giả chia sẻ, trẻ em sáng mắt được làm quen với sách từ rất nhỏ, khi chuẩn bị học đọc. Giống như vậy, trẻ em khiếm thị cũng cần được làm quen với sách để giúp phát triển kỹ năng tri giác, xúc giác, từ đó sẵn sàng học chữ nổi Braille.

Chị Trịnh Thu Thanh chia sẻ về dự án
Chị Trịnh Thu Thanh chia sẻ về dự án

Do thiếu hụt cơ quan thị giác nên trẻ mù cần lĩnh hội thông tin qua những giác quan khác, trong đó xúc giác đóng vai trò chủ đạo. Sách xúc giác được thiết kế với các vật nhỏ, mô hình đính trên trang vải hoặc kết cấu khác nhau sẽ được lựa chọn, sắp xếp tạo ra những hình ảnh có thể cảm nhận bằng cách chạm vào (hình ảnh xúc giác). Trong khi, hiện nay, Việt Nam chưa có sách xúc giác, trẻ khiếm thị bắt đầu học cách đọc, viết chữ nổi mà không có trải nghiệm với sách, điều đó khiến trẻ thiếu hụt sự khám phá và niềm vui đọc sách.

Đó cũng chính là lý do để chị Trịnh Thu Thanh và Nguyễn Thị Hằng nghiên cứu “Phát triển hệ thống sách xúc giác cho trẻ khiếm thị”, nhằm cung cấp một hệ thống công cụ phát triển, rèn luyện kỹ năng xúc giác cho trẻ khiếm thị; Từ đó giúp trẻ nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng đọc, viết chữ nổi và hòa nhập cộng đồng hiệu quả.

Dự án về sách xúc giác cho trẻ khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam

Theo các tác giả, sách xúc giác cho trẻ khiếm thị là đề tài lần đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam. Sách dùng cho trẻ em khiếm thị, trẻ em khiếm thị kèm theo dạng tật khác như tự kỉ, khuyết tật trí tuệ, điếc… Loại sách này có thể được dùng cho cả trẻ sáng mắt, người lớn trong gia đình, nhà trường. Đặc biệt, việc hướng dẫn làm sách xúc giác dễ dàng thực hiện được bởi cha mẹ, giáo viên và người sáng mắt quan tâm.

Sách xúc giác
Sách xúc giác

Sách được phân chia thành bốn trình độ: Trình độ A sử dụng đồ vật thật gắn lên trang sách; Trình độ B là những bài thơ, truyện sử dụng mô hình, tranh ảnh xúc giác đơn giản; Trình độ C là những câu chuyện đơn giản sử dụng tranh ảnh xúc giác phức tạp, với nhiều biểu tượng trừu tượng; Trình độ D là những câu chuyện về thế giới bên ngoài trải nghiệm của trẻ, sử dụng tranh ảnh xúc giác phức tạp, nhiều chi tiết.

Các tác giả cho biết, để làm sách xúc giác bằng vải cần chuẩn bị các loại vải thô dày một màu, miếng canvas nhựa, các loại kéo, kim, chỉ, nếu có thêm máy may loại công nghiệp thì càng tốt. Trên trang bìa sẽ có hình ảnh hoặc đối tượng, được đính kèm theo chắc chắn. Thông thường mọi thứ được đính trên vải bằng cách khâu chỉ hoặc dính băng keo, keo đặc thù. Đôi khi các đồ vật có thể được gắn bằng cách khác như băng dán velcro, ruy băng… Ở mặt sau sẽ là hình in và chữ nổi kể câu chuyện đi kèm với hình ảnh cho trang tiếp theo. Các trang có một miếng nhựa hoặc miếng canvas nhựa và phủ bằng một loại vải khác như nỉ, để đảm bảo trang sách không gây nguy hiểm…

Với công trình “Phát triển hệ thống sách xúc giác cho trẻ khiếm thị”, khoảng trống khó tiếp cận với thế giới thông tin và hình ảnh trong sách đang được lấp đầy. “Có những cuốn sách xúc giác, trẻ khiếm thị sẽ được làm quen với chữ nổi từ rất sớm, giống như trẻ sáng mắt được nhìn thấy chữ ở mọi nơi. Đồng thời sách cũng giúp trẻ hình thành biểu tượng về sự vật hiện tượng một cách khoa học từ dễ đến khó.

Bên cạnh đó sách còn hình thành niềm yêu thích đọc sách và tìm hiểu về thế giới xung quanh. Những cuốn sách xúc giác cũng sẽ giúp thầy cô giáo và các thành viên gia đình có thêm thêm đồ dùng dạy học, có thêm cơ hội đọc sách, chia sẻ cùng nhau về những nội dung gần gũi, mới lạ liên quan đến trải nghiệm của trẻ.

Ligante: Tạo sân chơi cho trẻ khuyết tật Ligante: Tạo sân chơi cho trẻ khuyết tật
Chàng kỹ sư của học sinh khiếm thị Chàng kỹ sư của học sinh khiếm thị
Tâm sự xúc động của người “thủ lĩnh” khiếm thị Tâm sự xúc động của người “thủ lĩnh” khiếm thị
Lê Dung
Phiên bản di động