Dự án làng nghề Mai Hương bán đất nền khi chưa được phê duyệt ĐTM
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thanh tra dự án làng nghề Mai Hương Thanh tra hàng loạt "điểm nóng" về môi trường tại Bắc Giang Cần làm rõ những dấu hiệu "biến tướng" tại dự án làng nghề Mai Hương |
Tại các bài báo trước, chúng tôi đã phản ánh về làng nghề Mai Hương tại thôn Phúc Linh, xã Mai Hương và Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, sau 5 năm triển khai đã không tạo ra được cú "hích" phát triển kinh tế cho địa phương như kỳ vọng trước đó. Đặc biệt, cũng không tạo nên được một làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp như mục tiêu đề ra.
Cần làm rõ quá trình triển khai thực hiện dự án làng nghề Mai Hương đã đảm bảo đúng quy định pháp luật hay chưa |
Thực tế hiện nay, mặc dù mới chỉ là giai đoạn 1 (diện tích gần 10.000m2/ tổng diện tích 27.000m2 - pv) nhưng Chủ đầu tư đã chia ra hàng trăm lô đất nền để bán với giá cao từ 20 - 40 lần so với giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp của người dân. Sự chênh lệch về giá một cách khủng khiếp như vậy đã gây nên những tiếng kêu ai oán, bức xúc của chính những người dân sống cạnh dự án vì mất tư liệu sản xuất.
Liên quan đến việc này, trao đổi với PV, ông Đinh Văn Tưởng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị Xây dựng số 1 Hà Nội khẳng định đơn vị thực hiện triển khai dự án án đúng theo các văn bản của cơ quan tỉnh Bắc Giang cho phép.
Người dân nơi đây đã phải miễn cưỡng nhận tiền đền bù đất, giao đất cho chủ đầu tư |
Về vấn đề phân lô, bán nền với diện tích từ 70 - 180m2/lô thì ông Tưởng giải thích rằng do người dân chủ yếu là các hộ sản xuất nhỏ lẻ nên diện tích như vậy là phù hợp với thực tế, vừa với tài chính để người dân có thể mua được và vào làng nghề để sản xuất. Đối với các lô đất có diện tích 180m2 thì để các hộ có điều kiện làm mặt bằng kinh doanh sản phẩm.
Đối với việc xây dựng trong làng nghề thì ông Tưởng khẳng định rằng đã được Sở Xây dựng Bắc Giang phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo văn bản số 160/QĐ-SXD ngày 31/10/2014. Trong đó, khu xưởng sản xuất mộc được xây 3,5 tầng và khu hành chính quản lý được xây cao 5 tầng(?).
Bảng cơ cấu sử dụng đất sau điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tại dự án làng nghề Mai Hương |
Ngoài ra, ông Tưởng cũng thừa nhận hiện nay dự án vẫn chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định của pháp luật và đã từng bị xử phạt. Hiện tại, doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ và đợi các quan chức năng của tỉnh Bắc Giang thẩm định và phê duyệt ĐTM.
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh, năm 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Cổ phần Đô thị Xây dựng số 1 Hà Nội (tại số nhà 17A, ngõ 251, Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội do ông Đinh Văn Tưởng làm đại diện pháp luật) với nội dung: Đầu tư xây dựng và Kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương.
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang cần làm rõ mục tiêu dự án có đúng như giấy chứng nhận đầu tư được cấp hay không |
Mục tiêu của dự án này là xây dựng làng nghề Mai Hương tại xã Mai Đình và xã Hương Lâm để phục vụ sản xuất mặt hàng chủ lực là đồ gỗ mỹ nghệ và công nghiệp nhẹ như dệt may, chế biến nông, lâm sản và tiểu thủ công nghiệp. Dự án được xây dựng trên diện tích 270.000m2 với tổng mức đầu tư hơn 277 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động là 50 năm.
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, làng nghề đâu chẳng thấy mà chỉ thấy hiện nay Chủ đầu tư dự án nghiễm nhiên chia lô để bán với mức giá từ 4 - 9 triệu đồng/m2 (gấp từ 20 - 40 lần so với giá đền bù - pv) với hàng trăm lô đất được rao bán công khai rầm rộ.
Người dân và khách hàng nếu mua đất cần thận trọng, kiểm tra thông tin kỹ lưỡng tại dự án này để tránh rủi ro |
Nhân viên tư vấn của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư BĐS Bầu Trời (Sàn bất động sản SKYLAND) là đơn vị hợp tác đầu tư và phân phối độc quyền Dự án làng nghề Mai Hương "nổ" rằng nếu mua đất ở đây thì 3 tháng sau sẽ được cấp sổ đỏ với thời hạn 49 năm. Hết thời hạn thì Nhà nước không thể giải tỏa được vì tài sản trên đất rất nhiều và lúc đó người mua đất chỉ phải nộp cho Nhà nước tiền sử dụng đất khoảng 200 nghìn đồng một năm là tiếp tục được sinh sống(?).
Ngoài ra, khách mua đất sẽ được xây nhà ở thỏa mái, không bị khống chế chiều cao (5 tầng cũng được - pv), thích xây như nào thì xây và Chủ đầu tư sẽ cấp cho giấy phép xây dựng. Khi PV hỏi tại sao giá đất lại rẻ như này thì nhân viên tư vấn giải thích rằng do đây là Dự án làng nghề nên giá đất mới rẻ(?).
Trách nhiệm của UBND huyện Hiệp Hòa ở đâu khi để dự án triển khai xây dựng không có ĐTM theo quy định của pháp luật |
Trong khi đó, nhiều người dân cho biết ở làng này, xã này (Mai Hương - pv) không có nghề truyền thống nào, nghề "mộc" (sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ - pv) thì càng không, lác đác vài hộ dân(?). Chúng tôi không hiểu mục đích của mấy ông chính quyền cho lắm, nhưng thu hồi đất nông nghiệp hàng chục héc ta rồi giao cho chủ đầu tư chia lô bán nền, thu lợi gấp hàng chục lần là có thật.
Trước những dấu hiệu "núp bóng" dự án làng nghề để phân lô, bán nền, ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh vào cuộc để làm rõ sai phạm (nếu có.
Trao đổi với PV, ông Trương Văn Nam - Chánh thanh tra tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ sớm thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra đột xuất dự án làng nghề Mai Hương theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong một diễn biến khác, ngày 22/7 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký Quyết định số 949/QĐ-TCMT về việc thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với thời hạn 45 ngày trong đó có dự án làng nghề Mai Hương của Công ty Cổ phần Đô thị Xây dựng số 1 Hà Nội do liên quan trực tiếp tới môi trường.
Còn nữa.