Ngôi làng có 2 vị thành hoàng làng
Cụ Nguyễn Duy Ý, cao niên trong làng Công Đình, năm nay đã 90 tuổi kể lại, làng Công Đình trước kia có tên là Tùng Đình ấp. Năm 1590, để tránh phạm huý chúa Trịnh Tùng, dân làng đã cải tên Tùng Đình thành Công Đình.
|
Cổng làng Công Đình |
Tương truyền, cuối triều đại nhà Lý suy tàn cũng là lúc có sự chuyển giao từ triều Lý sang triều Trần. Danh tướng Nguyễn Nộn là một cư sĩ người làng Phù Dực đã chiêu mộ quân sĩ, một lòng trung thành với triều đại nhà Lý. Vật đổi sao rời, triều đại nhà Lý ngày một suy tàn, nhà Trần ngày một hưng thịnh được lòng dân chúng, nên để tránh cuộc chiến “Huynh đệ tương tàn”, được nhà Trần thuyết phục, ông đã quy theo. Ông còn được gả công chúa và phong vương. Trên vùng đất được vua ban cai quản, danh tướng Nguyễn Nộn ra sức khoan dân chăm lo dân chúng và được Nhân dân 72 làng trong vùng tôn thành Thành hoàng làng để thờ phụng ở miếu Công Đình.
|
7h sáng, đoàn rước bắt đầu nghi lễ |
|
Đoàn rước bắt đầu từ đình Công Đình đi xuống miếu thờ danh tướng Nguyễn Nộn |
|
Kiệu hoa |
Cũng trong thời gian triều đại nhà Lý, khi đi dẹp giặc do thua trận, nhà Vua đã bị giặc truy sát chạy đến bờ sông Thiên Đức, vị trí đền Trúc Lâm ngày nay. Người muốn qua sông tránh giặc nhưng không có phương tiện, giặc đuổi cận kề nhưng bỗng trời nổi dông mây đen ùn ùn kéo tới. Cùng lúc đó, cây gạo rất to trên bờ ngả xuống bắc ngang dòng sông. Nhờ đó, nhà vua qua sông thoát nạn.
|
Ông hiệu Cờ đi sau kiệu hoa và ngựa |
|
Ông hiệu được trang bị mũ áo và được tuyển chọn khắt khe từ các trai tráng trong làng. |
|
Anh Nguyễn Ngọc Toản đảm nhận vai ông hiệu Gươm. Anh chia sẻ, đây là niềm vinh dự cho anh và cả dòng họ. |
Và điều lạ lùng thay khi quan quân qua sông xong, cây gạo lại đứng dậy như cũ, do vậy giặc không thể truy sát tiếp được. Sau này, thắng trận khải hoàn, nhà vua đã phong “Cây Gạo tôn thần” còn gọi là Đức Thượng Đẳng Đại Vương- Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần. Nhân dân làng Công Đình suy tôn “Cây Gạo tôn thần” làm Thần hoàng làng để phụng thờ.
|
Theo truyền thống của làng, người được chọn làm ông hiệu, sau lễ rước sẽ phải khao cả dòng họ. |
Đình làng Công Đình còn thờ Tả Phù, người làng Phù Ninh, có tài chăn ngựa. Có lần, ngài vào đền Trúc Lâm làm lễ mong thánh phù hộ đánh giặc. Sau này, ngài phò vua đánh giặc, lập công nên được phong thưởng và đã cho xây dựng đình làng vào năm 1664. Khi ông mất, dân làng Công Đình tôn làm hậu thần cho thờ tại đình.
Hiện nay, đình, đền và miếu Công Đình đều còn giữ được các cổ vật phong phú như ngai thờ, ngựa gỗ, đồ bát bửu, sắc phong v.v.. Cụm di tích này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 22/4/1992.
Độc đáo nghi thức rước
Ông Lâm Viết Tuấn, Trưởng Ban quản lý di tích Công Đình cho hay, cứ 5 năm lễ hội lại được Nhân dân làng Công Đình tổ chức để tưởng nhớ Nhị vị thần hoàng làng và các vị tiền nhân có công chăm lo, giúp dân có cuộc sống no ấm. Do dịch Covid -19 và thời gian tu bổ cụm di tích mất 9 năm nên giờ đây dân làng mới mở hội lại.
Điều đặc biệt, lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày bao gồm phần lễ và hội. Ở phần lễ, một phần không thể thiếu là nghi lễ rước vô cùng đặc sắc. Lễ rước chia làm 3 ngày: Ngày 1 là Lễ rước khám đường (để kiểm tra đường sá); Ngày 2 là Lễ rước chính; Ngày 3 là Lễ giã (rước hoàn cung).
“Đã 9 năm, dân làng mới lại tổ chức hội làng nên công tác chuẩn bị cho lễ rước rất chu đáo. Theo truyền thống, những ông hiệu (hiệu Cờ, hiệu Gươm…) được chọn lựa khắt khe. Trong đám trai làng, phải là là những người có mã thanh tú, gia đình hòa thuận, êm ấm, học giỏi, làng trên xóm dưới đều yêu quý. Họ phải ăn chay cả nửa tháng trước khi đóng vai ông hiệu trong lễ rước. Theo truyền thống của làng, người được chọn làm ông hiệu sẽ phải khao cả dòng họ.” – ông Tuấn.
|
Đoàn rước có 30 em nhỏ đi đầu kéo ngựa |
|
Sau mỗi tiếng trống và tiếng hô, đoàn phù giá sẽ kéo ngựa chạy |
Sáng 19/3, dù trời mưa to nhưng 7h sáng, đoàn rước đã tiến hành nghi thức. Chị Nguyễn Thị Sự (43 tuổi) cho hay, 9 năm rồi chị mới lại được xem hội làng. “Từ nhỏ đến lớn, mỗi lần đến hội là cả làng tưng bừng chuẩn bị. Từ trẻ con, đến thanh niên, người già, ai nấy đều phấn chấn. Trẻ nhỏ cũng tham gia lễ rước, người lớn thì làm phù giá hoặc dâng hương, thổi kèn… Mỗi lần hội là lại được ôn lại truyền thống, nguồn gốc của làng mình và điều đó khiến mình dù đi xa vẫn cứ muốn về dự hội làng”- chị nói.
|
Đoàn rước lên đến cả 2 trăm người kéo dài gần 1km đi từ đình đến miếu và đền |
|
Khi đến miếu, các ông hiệu phải làm lễ cáo xin rước thần hoàng làng về đình để dự hội |
|
Sau đó, bát hương thờ thần hoàng làng tại miếu cũng được đưa lên giá rước về đình |
|
Sau khi hoàn thành lễ cáo, đoàn phù giá rước ngài từ miếu về đình |
|
Sau đó, đoàn tiếp tục di chuyển đến Đền Trúc Lâm, nơi thờ Thần Cây Gạo để rước ngài về đình |
|
Đã 9 năm, dân làng Công Đình mới lại được xem rước thánh trong ngày hội làng |
|
Các cụ cao niên cử hành nghi lễ báo cáo với Thần Cây Gạo để xin rước ngài về đình dự hội |
|
Đoàn rước tại sân đền Trúc Lâm |
|
Sau khi hoàn thành xong các nghi lễ tại miếu, đền, đoàn phù giá rước ngài thành hoàng làng về ngự tại đình |
|
Ngồi trên kiệu là xiêm y, mũ áo của vị Thần Cây Gạo thờ tại đền Trúc Lâm. Ngài được đưa vào đình để ngự tại đây trong 3 ngày hội. Kết thúc lễ rước sẽ là màn tế của các vị cao niên trong làng tại đình. |
|
Màn rước kéo dài từ 7h sáng đến 13h đồng hồ. Trẻ nhỏ và người tham gia đoàn rước được nhận lộc sau khi kết thúc |
Sau nghi thức rước long trọng, hội làng truyền thống tiếp tục với các phần hội như thi đấu bóng chuyền, cầu chinh, cờ tướng, hát quan họ, hát tuồng, kéo co. Kết thúc hội sẽ tiếp tục với màn rước các vị thần hoàn cung. Trải qua gần một thế kỷ, hội làng Công Đình vẫn được Nhân dân lưu giữ những giá trị tâm linh tốt đẹp, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người Hà Nội.