Hà Nội: Dịp đầu Xuân, hơn 400 lễ hội diễn ra an toàn, văn minh
Lễ hội đền Trần Thái Bình 2024 thu hút khoảng 100.000 du khách Ba Vì: Tích cực chuẩn bị cho Lễ hội Tản viên Sơn Thánh Tưng bừng Lễ hội Cổ Loa 2024 Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Cổ Loa năm 2024 |
Đó là thông tin được lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao, Hà Nội đưa ra tại cuộc họp Giao ban trực tuyến công tác quản lý và tổ chức lễ hội chiều 1/3.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tính đến ngày 29/2/2024 (ngày 19/1 âm lịch), theo thống kê trên địa bàn Thành phố có khoảng 405 lễ hội đã được tổ chức tại các quận, huyện, thị xã.
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá, cơ bản, các lễ hội diễn ra suôn sẻ, văn minh, an toàn, bảo đảm cho người dân dự lễ hội tươi vui, lượng khách dự hội tăng cao so với những năm trước. Một số các đơn vị đã tổ chức ký cam kết thi đua thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” theo Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: Hoàng Mai, Ba Đình, Đông Anh, Hai Bà Trưng....
Đặc biệt, các nét mới trong lễ hội năm 2024 đáng lưu ý như, tại Lễ hội Chùa Hương năm 2024, Ban Tổ chức đã áp dụng hình thức bán vé điện tử tạo sự văn minh, minh bạch, công khai về giá, tránh thất thu ngân sách, vé giả, vé lậu trong việc kiểm soát vé; Việc tiếp tục đổi mới bỏ bán vé tại 2 vị trí cổng, đưa vào bán vé tại các vị trí trong bãi đậu xe cùng với việc phân luồng giao thông hợp lý đã giảm tối đa tình trạng ùn tắc giao thông, giảm bớt nhân lực của Ban Tổ chức trong công tác điều phối tại các điểm cổng.
Khai hội chùa Hương 2024 |
Tại quận Ba Đình, ngoài các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống diễn ra trong lễ hội, năm 2024 UBND quận ba Đình tổ chức Hội thi bày mâm Lễ đẹp trong khuôn khổ Lễ hội truyền thống “Tế khai sắc –Rước khai xuân” và Lễ hội ngày sinh Đức Thánh Huyền Thiên Hắc Đế (Đền Núi Sưa) năm Giáp Thìn 2024 tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân khi tham gia Lễ hội.
Công tác quản lý nhà nước đối với các lễ hội trên địa bàn Thành phố được triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng các quy định tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Các lễ hội diễn ra đảm bảo vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi, trò diễn giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian được quan tâm đưa vào lễ hội như: hát quan họ, hát chèo, đấu vật, đánh đu, thổi cơm thi, múa sư tử, kéo co...
Việc tổ chức lễ hội hàng năm tại các địa phương đều được Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo kết hợp với việc tổ chức đón nhận các danh hiệu làng văn hoá, danh hiệu làng nghề, Bằng di tích lịch sử văn hoá... làm phong phú hoạt động của lễ hội, góp phần tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh, động viên, khuyến khích Nhân dân giữ gìn, phát huy tốt các giá trị danh hiệu văn hoá, danh hiệu làng nghề truyền thống, các giá trị di sản văn hoá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố công nhận xếp hạng, góp phần tích cực vào việc nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần trong cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, do thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, vì vậy việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố đã có nhiều thay đổi tích cực, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, bổ ích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của Nhân dân, đáp ứng nhu cầu trẩy hội, phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hoá theo định hướng chung.