Độc đáo múa rối nước Đào Thục

Múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) mới đây đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục bắt nguồn từ 300 năm trước và đến nay vẫn duy trì sức sống mạnh mẽ.
Trải nghiệm giáo dục di sản “Ký ức mùa trăng” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Tinh hoa văn hoá truyền thống

Múa rối vốn là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian hình thành từ xa xưa gắn liền với nền văn hóa văn minh lúa nước của cộng đồng cư dân nông nghiệp. Đào Thục xưa là trang Đào Xá, tổng Thư Lâm, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc; nay là thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Tương truyền, vào thời Hậu Lê, làng Đào Thục có Ông Đào Tướng Công, tự Phúc Khiêm, tên thật là Nguyễn Đăng Vinh sinh trưởng trong một gia đình nhà nho có truyền thống học hành thi cử.

Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ nhiệm làm quan Nội Giám, phụ trách việc mở mang đường xá, phát triển nghề nông và lập các phường: phường Thầy dạy chữ, phường Thợ dạy nghề xây dựng, thợ mộc, phường Cối dạy nghề đóng cối xay xát thóc gạo…và phường Rối nước.

Độc đáo múa rối nước Đào Thục
Không gian thực hành nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối nước Đào Thục tại thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm

Sau khi cáo quan về nghỉ tại quê nhà Đào Thục, ông truyền dạy múa rối cho dân làng Đào Thục và các làng lân cận xung quanh Đào Thục như Hà Hương, Nhạn Tái và Thị Lâm.

Từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, phường rối được duy trì, thực hành và phát triển tốt trong cộng đồng. Vào thời kỳ Pháp thuộc, do chiến tranh loạn lạc, đời sống khó khăn, nhiều di tích bị đốt phá nên các quân rối cổ do Ông Đào Tướng Công truyền lại đều bị đốt cháy, việc thực hành múa rối vì thế cũng bị hạn chế.

Hòa bình lập lại, Ty văn hóa Tỉnh Vĩnh Phúc (Sở Văn hóa ngày nay) phối hợp với các chủ thể nắm giữ và thực hành tri thức múa rối phục hồi lại phường rối để trình diễn phục vụ các ngày lễ lớn của dân tộc. Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, việc thực hành múa rối nước lại bị gián đoạn.

Đến năm 1968, phường rối nước Đào Thục được khôi phục do cụ Đinh Văn Viết làm Trưởng phường. Năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, được sự tài trợ của Hiệp Hội Rối Thế giới - tổ chức thế giới của những người tham gia vào công việc phát triển nghệ thuật rối, phường rối đã sửa lại nhà thủy đình và làm lại các quân rối phục vụ trình diễn.

Độc đáo múa rối nước Đào Thục
Múa rối nước tại làng Đào Thục khi biểu diễn vừa có thể chuyển động tịnh - tiến, đi chéo hoặc cử động được cả hai tay giúp người nghệ nhân có thể linh động, nhịp nhàng trong lúc biểu diễn

Không chỉ trực tiếp sáng tác các tích trò và biểu diễn, người Đào Thục còn đích thân làm ra những quân trò rối, từ chú Tễu, Thạch Sanh, Tấm Cám, cô tiên… đến gà, chim phượng, rồng, hổ, con trâu, cái cày… vô cùng sinh động và bắt mắt, trở thành nét riêng độc đáo của nghệ thuật rối nước Đào Thục.

Mỗi nghệ nhân làng Đào Thục đều coi múa rối nước là đứa con tinh thần, ăn cùng rối nước, ngủ cùng rối nước. Tuy nhiên, chính nét riêng biệt của nghề múa rối nước làng Đào Thục đã để lại dấu ấn tới người dân trong nước và quốc tế.

Phát huy giá trị nghệ thuật rối nước Đào Thục

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, cùng các giá trị hướng về cộng đồng; bảo tồn và trao truyền văn hoá; cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng; giáo dục; bảo tồn và làm giàu kho tàng di sản văn hoá dân tộc; cùng giá trị về kinh tế, du lịch, Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 473/QĐ-BVHTTDL ngày 06/3/2023.

Độc đáo múa rối nước Đào Thục
Huyện Đông Anh vinh dự đón nhận Di sản văn hoá vật thể quốc gia - Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục

Sáng 23/12, tại khu nhà truyền thống thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, nơi phụng thờ ông Tổ nghề Rối nước Đào Thục, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Đông Anh đã long trọng tổ chức “Lễ đón nhận Quyết định và Giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể - Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, để duy trì và bảo vệ di sản, các nghệ nhân phường rối nước Đào Thục đã tích cực khai thác thế mạnh của quê hương giàu truyền thống kết hợp với làng nghề làm du lịch văn hóa dân gian.

Năm 2001, được sự hỗ trợ của Chính quyền địa phương và quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, phường rối nước Đào Thục được hỗ trợ kinh phí xây dựng buồng trò tại ao trước đình làng làm nơi trình diễn và bảo quản quân rối.

Ngoài ra, phường rối nước Đào Thục còn được trang bị một bể nước lưu động phục vụ cho việc lưu diễn tại các nơi không tiện ao, hồ. Từ năm 2007 đến nay, Phường bắt đầu tích cực kết nối với các công ty du lịch, xây dựng Website, quảng bá hình ảnh Rối nước Đào Thục trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội,...

Bên cạnh những tiết mục mang tính truyền thống, hiện nay làng múa rối nước Đào Thục cũng có những tiết mục hiện đại để phục vụ khán giả như vở kịch “chiến thắng Điện Biên Phủ 12 ngày đêm”, “Rước ảnh Bác Hồ”… thu hút đông đảo người xem.

Độc đáo múa rối nước Đào Thục
Du khách thích thú thưởng thức múa rối nước Đào Thục

Giá trị văn hóa phi vật thể của làng rối nước Đào Thục được thể hiện qua thời gian, bên cạnh những tích trò cổ, lưu giữ qua nhiều thế hệ, còn sáng tác thêm nhiều tích trò mới ca ngợi quê hương, đất nước, thể hiện sự tiếp nối truyền thống cũng như sức sống bền bỉ, mãnh liệt của môn nghệ thuật cổ truyền ở làng.

Ngoài việc trình diễn trong những dịp lễ tết, hội hè của làng, hàng tuần, hàng tháng Phường đều có những tour diễn tại địa phương phục vụ du khách trong và ngoài nước, biểu diễn tại các địa điểm văn hóa như: Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng dân tộc học, Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa, Bảo tàng lịch sử quốc gia…; tham gia giới thiệu, trình diễn cả tại các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế như Hà Lan, Thái Lan và Trung Quốc.

"Vì vậy, việc thực hành múa rối nước tại Đào Thục ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn", Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết nhấn mạnh.

Theo Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ban hành kèm theo Quyết định số 1511/QĐ-SVHTT ngày 6/12/2016 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc công bố Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2016, huyện Đông Anh có 128 di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật truyền thống, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể là Lễ hội Cổ Loa đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Vũ Cường
Phiên bản di động