Doanh nghiệp tìm được hướng đi phù hợp, dệt may dần sôi động trở lại

Đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã tìm ra được hướng đi phù hợp, thị trường dệt may, da giày thế giới đã dần sôi động trở lại.
Xuất khẩu dệt may đón tín hiệu mừng Dệt may và da giày tìm cơ hội “bứt phá” trong đại dịch Covid-19

Theo Bộ Công thương, ngành dệt may, da giày trong quý I/2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước.

Việc các nước liên tục đưa vaccine phòng COVID-19 vào tiêm cho người dân cũng đã tăng niềm tin, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, trong đó có tiêu dùng dệt may, da giày tăng trở lại. Tuy số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng tín hiệu thị trường đã dần hồi phục.

Doanh nghiệp tìm được hướng đi phù hợp, dệt may dần sôi động trở lại
Công nhân Công ty Cổ phần sản xuất hàng thể thao Tân Đệ.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất ngành dệt tính chung 3 tháng năm 2021 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020 (tháng 3 tăng 5,3% so với cùng kỳ); chỉ số sản xuất trang phục tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020 (tháng 3 tăng 0,1%).

Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 143 triệu m2, tăng 3,4% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 266,3 triệu m2, tăng 2,5% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 1.077,5 triệu cái, tăng 1,3%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2021, trong tình hình bình thường mới của thế giới, các hoạt động giao dịch thương mại đã trở lại, tuy số lượng và đơn giá chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019.

Theo ông Trường, hiện nay các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của tập đoàn đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021.

"Đó là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của dệt may Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng đại dịch COVID-19 năm 2020", ông Trường nhận định.

Hậu Lộc
Phiên bản di động